MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ Nhật "đau đầu" vì Yên tăng giá quá mạnh

04-05-2016 - 09:40 AM | Tài chính quốc tế

Vì Yên tăng giá, lợi nhuận của 25 nhà xuất khẩu hàng đầu của Nhật (như Toyota, Komatsu, Sony...) có thể sụt giảm khoảng 1,14 ngàn tỉ Yên trong năm tài khoá hiện hành.

Đồng Yên liên tục tăng giá

Bất chấp nền kinh tế Nhật đang trong giai đoạn suy yếu và nước này đang áp dụng lãi suất âm, đồng Yên đã tăng giá trên 12% so với USD kể từ đầu năm đến nay. Các nhà đầu tư lựa chọn đồng Yen là "nơi trú ẩn” an toàn bởi họ ngày càng nghi ngờ vào khả năng điều hành chính sách tiền tệ của các NHTW cũng như lo ngại về tình hình bất ổn chính trị tại Anh và Mỹ.

Quyết định giữ nguyên tỉ lệ lãi suất của NHTW Nhật (BOJ) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần qua cùng với thị trường Nhật đóng cửa nghỉ Tuần lễ Vàng tại đã châm ngòi cho đồng yên tăng giá mạnh so với USD.

Đồng Yên đă tăng giá trên 3% so với đồng USD vào ngày 28/4 sau khi BOJ đã "thách thức” và gây bất ngờ trên thị trường với quyết định trì hoãn việc đưa ra các chính sách khuyến khích tiền tệ mới như cắt giảm tỉ lệ lãi suất tham chiếu hay mở rộng chương trình mua tài sản hạn dài.

Sau khi tăng giá khoảng 5% so với USD vào tuần trước và là đợt tăng giá hàng tuần nhiều nhất kể từ năm 2008, vào ngày 3/5, đồng Yen tiếp tục lập lại mức cao 18 tháng: 106,14 Yên đổi 1 USD trên thị trường New York.

Đồng Yên cũng đã từng tăng giá và đạt mức cao này vào tháng 10/2014 khi thế giới bắt đầu chuẩn bị cho việc Fed chấm dứt chương trình nới lỏng tiền tệ và quay trở lại chính sách thắt chặt tiền tệ.

Nhưng người Nhật không vui

Tuy nhiên, xu hướng tăng giá này của đồng Yên không làm người Nhật vui mà ngược lại.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso được các phương tiện thông tin đại chúng dẫn lời cho biết đồng Yên mạnh thực sự là một điều cực kỳ đáng lo ngại. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cũng cho hay xu hướng tăng giá gần đây của đồng Yên có thể gây thiệt hại đến nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới này. Những lời nhận xét này làm dấy lên tin đồn BOJ có thể can thiệp để ngăn chặn đồng Yên tăng giá hơn nữa.

Sự tăng giá của đồng Yen đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Nhật và, triển vọng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu cũng như các hoạt động kinh tế khác vốn hưởng lợi nếu đồng Yên suy yếu.

Theo nguồn tin Nikkei, sự tăng giá mạnh của đồng Yên đe doạ sẽ làm giảm lợi nhuận của 25 nhà xuất khẩu hàng đầu của Nhật, gồm Toyota, Komatsu, Sony...khoảng 1,14 ngàn tỉ Yên trong năm tài khoá hiện hành bởi giá sản phẩm của các công ty này ở nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn.

Song có ý kiến cho rằng với việc Bộ Tài chính Mỹ đưa Nhật vào danh sách giám sát tiền tệ mới cùng với bốn nước khác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, Tokyo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc can thiệp vào các thị trường để ngăn chặn đồng Yên tăng giá.

Các công ty lớn của Nhật như Denso, Murata Manufacturing, Ricoh... dự đoán tỉ giá trung bình của đồng Yên trong năm tài khoá 2016 đạt trung bình khoảng 110 Yên đổi 1 USD. Mức tỉ giá này cao hơn nhiều so với mức tỉ giá trung bình 120 của năm tài khoá 2015. Đồng Yên nếu tăng giá nữa có thể gây ra nhiều vấn đề hơn nữa và phủ bóng đen lên các chính sách kích thích kinh tế Abenomics của Nhật vốn dựa vào đồng Yên suy yếu và giá chứng khoán cao.

Đồng Yên mạnh có thể làm giảm giá nhập khẩu và gây sức ép lạm phát đối với nền kinh tế Nhật. Năm ngoái, BOJ đã bốn lần nỗ lực để đạt được tỉ lệ lạm phát 2%.

Theo tờ Japan Today, Bộ trưởng Tài chính Nhật Aso khẳng định rằng Nhật có thể can thiệp vào các thị trường hối đoái khi cần thiết để ngăn chặn sự tăng giá mạnh "một chiều và mang tính chất đầu cơ” và các biện pháp này không vi phạm thoả thuận của nhóm G20 về việc tránh phá giá tiền tệ.

Lần gần đây nhất Nhật can thiệp vào các thị trường tiền tệ là vào khoảng tháng 11/2011 nhằm ngăn chặn đồng Yên tăng giá so với USD để duy trì phục hồi kinh tế sau thảm hoạ động đất và sóng thần vào đầu năm 2011.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước thành viên Tổ chức các Nước Đông Nam Á (ASEAN) đang tụ hội tại Frankfurt, Đức để tham dự cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á. Các nhà đầu tư trên thị trường theo dõi sát sao bình luận của Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso và Thống đốc BOJ Haruhio Kuroda.

Xuân Hương

Reuters, CNBC,Japan Today

Trở lên trên