MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chính phủ sẵn sàng đón nhận những đề xuất mới chưa có tiền lệ"

Thủ tướng yêu cầu công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới...

Tại hội nghị ngoại giao lần thứ 30 tổ chức ngày 15/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngoại giao kiến tạo phát triển phải chủ động và sáng tạo hiệu quả. Bộ Ngoại giao cần phối hợp liên ngành để tìm ra những phương thức sáng tạo, linh hoạt, nâng cao vị thế quốc gia.

Theo Thủ tướng, thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của công tác đối ngoại. Việt Nam là nước ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và toàn bộ nhóm G7, 13/20 nước G20. Đây là những đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Chỉ riêng 5 nước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và G7 đã chiếm trên 27% tổng vốn đầu tư FDI, chiếm gần 50% tổng kim ngạch thương mại 2017.

Thủ tướng đánh giá, mạng lưới cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đã cảm nhận trực tiếp hơi thở của thời đại, nhịp đập của địa bàn, kịp thời báo cáo về những biến động kinh tế chính trị của thế giới, nước đối tác để giúp Chính phủ trong điều hành kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại của ngành ngoại giao, cụ thể là vị thế địa chiến lược của Việt Nam chưa được khai thác tối đa, công tác nghiên cứu và dự báo đôi lúc còn bị động, chưa lường hết được một số biến động của khu vực và điều chỉnh chính sách của một số nước, chưa có nhiều đề xuất, sáng kiến mang tính chất đột phá đổi mới cho đất nước. Nỗ lực đổi mới ngoại giao kiến tạo phục vụ địa phương, người dân, doanh nghiệp mới là bước đầu, chưa tạo dựng được nền tảng vững chắc, lâu dài.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển động nhanh, nhiều bất ổn khó lường, Thủ tướng đề nghị, ngoại giao kiến tạo phát triển cần phải chủ động và sáng tạo hiệu quả. Công tác đối ngoại phải góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và phát triển. Đây là nhiệm vụ rất khó, trọng trách nặng nề, chúng ta cần làm theo lời dạy của Bác Hồ: "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Thủ tướng nêu rõ, Bộ Ngoại giao cần phối hợp liên ngành để tìm ra những phương thức sáng tạo, linh hoạt, nâng cao vị thế quốc gia, khai thác những điểm thuận, khắc phục những điểm bất đồng và điều quan trọng là tạo ra các cơ hội gìn giữ hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển.

Phải phát huy, tạo lập và củng cố vị thế vị thế chiến lược của Việt Nam. Đây là một trong những ưu tiên của công tác đối ngoại, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cho rằng, không chỉ kịp thời tận dụng cơ hội thuận lợi, kịp thời ứng phó biến động mà cần hướng tới tính đi trước một nhịp để làm rất tốt công tác dự báo chiến lược, công tác tham mưu cho Chính phủ và cả các bộ ngành.

"Khi thực tiễn có biến đổi chưa có tiền lệ thì Chính phủ cũng sẵn sàng đón nhận những đề xuất mới chưa có tiền lệ. Chúng ta phải sáng tạo vận dụng", Thủ tướng nói và yêu cầu công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới.

Đây là một quan điểm, tinh thần chỉ đạo mới cần quán triệt. Tăng cường tìm kiếm nguồn lực, quảng bá phát triển thương mại, thu hút ODA, du lịch, kiều hối, phát triển thị trường lao động để cùng cả nước phát triển nền kinh tế số công nghệ cao, thông minh.

Nhấn mạnh việc làm tốt việc thu nhận trí tuệ thế giới về Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, Bộ Ngoại giao phải là một anten nhạy cảm để thu hút người tài, người có đầu óc khoa học vào Việt Nam, nhất là bà con Việt kiều tài năng.

Theo Bảo Quyên

Vneconomy

Trở lên trên