MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ Singapore và chiến lược Chuyển đổi số cho 80% GDP: Thúc đẩy doanh nghiệp lớn, miễn phí cho công ty vừa và nhỏ

07-05-2019 - 10:50 AM | Tài chính quốc tế

Chiến lược Chuyển đổi số tại Singapore đã và đang đem lại hiệu quả cả về kinh tế vĩ mô và vi mô, đưa quốc đảo sư tử lên đứng đầu trong danh sách những nước Châu Á có kết quả Chuyển đổi số mạnh mẽ nhất, vượt xa những cường quốc khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Lộ trình đầy tham vọng

Được đề cập lần đầu trong buổi họp phân bổ ngân sách nhà nước vào năm 2017, Lộ trình Chuyển đổi Công nghệ được vạch ra với 4,5 tỷ USD tiền vốn, sẵn sàng Chuyển đổi số cho hơn 23 ngành nghề đang chiếm gần 80% GDP của cả nước, với 4 mục tiêu lớn như sau:

Chính phủ Singapore và chiến lược Chuyển đổi số cho 80% GDP: Thúc đẩy doanh nghiệp lớn, miễn phí cho công ty vừa và nhỏ - Ảnh 1.

1. Chuyển đổi số phải hỗ trợ các ngành nghề gia tăng ít nhất 6% giá trị mỗi năm và tạo hơn 13.000 việc làm vào năm 2020.

Tất cả công việc được sinh ra từ Chuyển đổi số đều phải là việc làm có chuyên môn cao, với chức danh liên quan tới quản lý, chuyên viên hoặc kỹ sư.

Singapore phải nhận được lợi ích từ nền kinh tế được chuyển đổi số: Việc làm chất lượng cao, lợi thế cạnh tranh lớn và giá trị đời sống phải được nâng lên.

Chính phủ Singapore và chiến lược Chuyển đổi số cho 80% GDP: Thúc đẩy doanh nghiệp lớn, miễn phí cho công ty vừa và nhỏ - Ảnh 2.

2. Đầu tư và tạo dựng chỗ đứng trên bốn mũi nhọn: Trí thông minh nhân tạo (AI), An ninh mạng, Thực tế ảo và Internet vạn vật.

Vào tháng 5 năm ngoái, chính phủ đảo quốc sư tử đã tiến hành chiến dịch "AI Singapore", đầu tư 150 triệu USD để phát triển và ứng dụng trí thông minh nhân tạo trên cả nước.

Hàng loạt biên bản cam kết hợp tác đã được ký giữa Singapore và các tập đoàn công nghệ lớn như IBM, Microsoft và Samsung.

Khi nhận diện giọng nói được dự đoán sẽ trở thành một thị trường khổng lồ với giá trị hơn 25 tỷ USD vào năm 2023, một "thư viện giọng nói" đã được chính phủ Singapore thành lập nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh với những gã khổng lồ ngoại quốc, nhất là khi Singlish (Tiếng Anh của người Singapore) đang gây nhiều khó khăn cho những phần mềm nhận diện Tiếng Anh phổ biến.

Chính phủ Singapore và chiến lược Chuyển đổi số cho 80% GDP: Thúc đẩy doanh nghiệp lớn, miễn phí cho công ty vừa và nhỏ - Ảnh 3.

3. Gia tăng hiệu quả của Chuyển đổi số thông qua số lượng chuyên viên chất lượng và cơ hội kinh doanh đa dạng.

Chính phủ Singapore đứng ra triển khai chương trình "AI Business Partnership" - liên tục kết nối các giải pháp công nghệ cao và những doanh nghiệp có nhu cầu.

Ngoài ra còn Chương trình "Tập sự AI Singapore" với mục tiêu đào tạo và tìm việc cho hơn 200 chuyên viên Chuyển đổi số trong vòng 3 năm tới.

Chính phủ Singapore và chiến lược Chuyển đổi số cho 80% GDP: Thúc đẩy doanh nghiệp lớn, miễn phí cho công ty vừa và nhỏ - Ảnh 4.

4. Tìm kiếm và khuyến khích Chuyển đổi số

Đích thân chính phủ Singapore sẽ xác định những ngành cần thay đổi, làm việc với quản lý đầu ngành để thuyết phục và thúc đẩy quá trình Chuyển đổi số.

Một ý định thư đã được ký kết giữa chính phủ Singapore, bộ Thương mại và ban quản lý di tích One Kampong Gelam vào tháng 11 năm ngoái, biến khu di tích cổ kính này thành địa điểm ứng dụng và minh chứng về sự hiệu quả của Chuyển đổi số.

Không những thế, bộ Thương mại Singapore còn hỗ trợ tư vấn miễn phí "từ A đến Z" cho quá trình Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chuyên viên tư vấn sẽ hỗ trợ cụ thể theo từng ngành nghề.

Chuyển đổi số "không chừa một ai"

Với chi phí sống và hoạt động gần như đắt đỏ bậc nhất trên thế giới, chính phủ Singapore hiểu rằng các doanh nghiệp mới sẽ rất khó theo kịp tốc độ Chuyển đổi số của cả nước.

Chính vì thế, chính quyền cùng với tổ chức Enterprise Singapore đã tạo ra chương trình "Start Digital" – hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ các khóa học về: Kế toán, Quản trị nhân sự, Marketing điện tử, Thanh toán điện tử, và An ninh mạng.

Sau khi hoàn tất khóa học 18 tháng, doanh nghiệp được miễn phí 6 tháng học phí và giảm học phí phần còn lại.

"Tư duy số là một yếu tố hàng đầu nếu doanh nghiệp mong muốn phát triển trong thời đại số ngày nay. Tôi rất vui khi thấy mọi người đang chung tay hỗ trợ quá trình Chuyển đổi số của quốc gia." – Một đại diện chính phủ Singapore cho hay.

Chính phủ Singapore và chiến lược Chuyển đổi số cho 80% GDP: Thúc đẩy doanh nghiệp lớn, miễn phí cho công ty vừa và nhỏ - Ảnh 5.

Vào tháng 5 năm 2018, Singapore trở thành quốc gia không trực thuộc Châu Âu đầu tiên gia nhập OpenPEPPOL - Hệ thống quản lý thu mua Châu Âu, dùng để quản lý hóa đơn điện tử 24/24 trong khu vực.

Với OpenPEPPOL, các công ty tại Singapore có thể dễ dàng xuất và khấu trừ hóa đơn với tốc độ nhanh như chớp, gia tăng năng suất hoạt động và rút ngắn thời gian sản xuất. Bước đi này không chỉ gia tăng hiệu quả cạnh tranh trong nước mà còn giúp nâng cao vị thế của Singapore trên toàn thế giới.

"Chúng tôi tin rằng Singapore đã trở thành một tấm gương sáng cho những doanh nghiệp không trực thuộc Châu Âu, với khả năng lưu chuyển hóa đơn điện tử hiệu quả lẫn trong nước và quốc tế." – theo Tổng thư ký của OpenPEPPOL, ông André Hoddevik.

Chính phủ Singapore và chiến lược Chuyển đổi số cho 80% GDP: Thúc đẩy doanh nghiệp lớn, miễn phí cho công ty vừa và nhỏ - Ảnh 6.

Hiện đại luôn đi kèm với nghi ngại, hàng loạt vụ lùm xùm về dữ liệu cá nhân đã ít nhiều gây mất lòng tin của người tiêu dùng vào những đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ trên mạng. Để khắc phục tình trạng này, Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân (PDPC) được thành lập với chiến dịch "Tem bảo vệ dữ liệu".

"Tem bảo vệ" này chỉ dành cho những doanh nghiệp cam kết sử dụng dữ liệu người dùng chỉ khi được cho phép, dưới sự kiểm soát của bên giám sát thứ ba.

Các lợi ích từ chương trình này có thể kể đến như:

- Gia tăng lợi thế cạnh tranh: "Tem bảo vệ" nhanh chóng trở thành một thế mạnh giúp gia tăng tin tưởng của khách hàng đối với thương hiệu, không những với khách trong nước mà còn là khách ngoài nước.

- Thể hiện chất lượng của thương hiệu: "Tem bảo vệ" không chỉ thể hiện cam kết của doanh nghiệp về quản lý dữ liệu người dùng, mà còn đưa các quy trình quản lý thông tin ra trước các bên kiểm soát thứ ba, giúp khả năng bảo vệ ngày càng chặt chẽ do được "thách thức" thường xuyên.

Đặc biệt là chương trình tem bảo vệ sẽ hỗ trợ phí đăng ký các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu nhưng chưa đủ tiềm lực tài chính, thể hiện mong muốn Chuyển đổi số mãnh liệt từ chính quyền Singapore.

Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.

Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn

Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…

Theo Thanh Sang

Trí thức trẻ

Trở lên trên