MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ trình Quốc hội đưa 3 dự án cao tốc Bắc–Nam sang đầu tư công

Sáng nay (9/6), Chính phủ trình Quốc hội chuyển đổi 3 dự án cao tốc Bắc – Nam từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.

Cụ thể, 3 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) sẽ chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Nghị quyết 52 sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và bổ sung thêm 23.461 tỷ đồng vốn nhà nước.

Chính phủ trình Quốc hội đưa 3 dự án cao tốc Bắc–Nam sang đầu tư công - Ảnh 1.

Chính phủ trình Quốc hội đưa 3 dự án cao tốc Bắc–Nam sang đầu tư công.


Nguyên nhân được lý giả là do theo kết quả sơ tuyển, 7/8 dự án thành phần có từ 02 nhà đầu tư trở lên đã qua vòng sơ tuyển; 01 dự án thành phần (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh về tài chính.

Do đó, mặc dù đã qua vòng sơ tuyển nhưng có thể sẽ khó lựa chọn được nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu do nhà đầu tư khó có thể huy động được nguồn vốn tín dụng. Trường hợp đấu thầu không thành công mới báo cáo Quốc hội xin chuyển đổi hình thức đầu tư thì có thể đến năm 2022 mới triển khai thi công.

Ngoài ra, việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và thống nhất chuyển đổi 03 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 05 dự án thành phần còn lại để nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho Dự án, đồng thời tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, dành ngân sách nhà nước bố trí cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác.

Chính phủ trình Quốc hội đưa 3 dự án cao tốc Bắc–Nam sang đầu tư công - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội họp tại hội trường sáng 9/6. (Ảnh: Quốc hội)

Việc lựa chọn các dự án thành phần nêu trên cũng phù hợp khi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, do đó, cần thiết phải chuyển đổi.

Đối với việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây, mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, tuy nhiên do 02 dự án thành phần này có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn.

Việc chuyển đổi 02 dự án thành phần này sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cho các dự án thành phần này; Đây cũng là 02 dự án kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết được tình trạng quá tải trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết (Quốc lộ 1 có 2 làn xe).

Ngoài ra, theo dự báo, nhu cầu vận tải của 02 dự án thành phần này rất lớn, khả năng nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước đối với 02 dự án thành phần này tính khả thi cao. Tuy nhiên, nếu các dự án này được lựa chọn chuyển đổi thì tổng vốn ngân sách nhà nước cần bổ sung sẽ rất lớn (23.461 tỷ đồng).

Cuối cùng, cả 03 dự án thành phần nêu trên nếu được chuyển đổi sẽ thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia do sử dụng vốn đầu tư công lớn hơn 10.000 tỷ đồng , vì vậy, cần thực hiện theo quy định là dự án quan trọng quốc gia quy định tại Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác đề nghị chỉ nên chuyển đổi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, đối với các dự án còn lại cần tiếp tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng Nghị quyết 52.

Tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật PPP nhằm tạo cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhưng nay lại đề xuất chuyển đổi một số dự án PPP là mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng dự án Luật PPP, nhất là việc đề xuất nội dung này tại cùng kỳ họp xem xét thông qua dự án Luật PPP.

Mặt khác, việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây để chuyển đổi là chưa hợp lý vì 02 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức PPP  và đến nay đã được một số nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm.

Có ý kiến quan ngại việc điều chỉnh phương thức đầu tư đối với 02 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện được chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội để tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới./.

Theo Vân Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên