Chính phủ trình Quốc hội thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình Quốc hội tờ trình về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Chính phủ khẳng định, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đã bảo đảm đạt đủ 5 điều kiện quy định tại Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Thành phố Huế trực thuộc trung ương có 4.947,11 km2 và 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); có 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).
Bộ trưởng nhấn mạnh, đề án đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng; xây dựng phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Theo ông, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị.
Trong quá trình thẩm tra, một số ý kiến đề nghị chính quyền tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục quan tâm, có phương hướng, kế hoạch giải quyết các khó khăn, thách thức có thể phát sinh khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Cụ thể, cần quan tâm tới các vấn đề về thay đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước gắn với việc tổ chức chính quyền đô thị; chuyển đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp để giải quyết vấn đề việc làm cho người dân…
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan và địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội sau khi được thông qua.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi thay đổi giấy tờ có liên quan và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của các đơn vị hành chính vừa được thành lập mới; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết những khó khăn của cán bộ, nhân dân trên địa bàn.
Nội dung này sẽ được Quốc hội thảo luận vào ngày (31/10).
Tiền phong