Chính phủ yêu cầu sớm báo cáo phương án giảm thuế xăng dầu
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phải sớm báo cáo phương án điều chỉnh, giảm các loại thuế với xăng dầu.
- 18-07-2022Giá xăng có thể giảm mạnh ngày 21/7 tới?
- 16-07-2022Xe máy Thái giá 26 triệu siêu tiết kiệm xăng: Đầy bình đi 384km, ra màu mới đẹp "nhức mắt"
- 15-07-2022Đóng dây chuyền sớm nửa năm, VinFast chính thức dừng kinh doanh ô tô xăng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 85 về hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Theo đó, tại nghị quyết này Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền về phương án điều chỉnh, giảm các loại thuế đối với xăng dầu theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, nguyên liệu phục vụ sản xuất...). Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ nâng giá.
Đặc biệt, Chính phủ giao Bộ này điều hành xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu có giá ưu đãi hơn; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất xăng dầu...
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phải sớm báo cáo phương án điều chỉnh, giảm các loại thuế với xăng dầu. Ảnh minh họa.
Hiện, trong cơ cấu giá bán lẻ hiện nay, xăng, dầu đang phải chịu 4 loại thuế, gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường và giá trị gia tăng. Thuế bảo vệ môi trường sau 2 lần giảm từ 1/4 và 11/7 đã về mức sàn trong khung thuế suất, tổng cộng mức giảm thuế này là 3.000 đồng với xăng và 1.500-1.700 đồng với dầu.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng không chỉ về 10% thay vì mức đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu MFN này từ 20% về 12% như trước đó nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đối với mặt hàng dầu đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.
Theo quy trình, khi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ trình phương án giảm thuế lên các thành viên của Chính phủ. Nếu được Chính phủ chấp thuận, Bộ sẽ trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp gần nhất, dự kiến vào tháng 10 tới.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định cho giảm kịch khung Thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu đến ngày 31/12/2022, trong đó xăng được giảm 1.000 đồng/ lít, các loại dầu khác dao động từ 300 - 700 đồng/lít. Hiện nay, các loại xăng dầu trong nước chỉ chịu mức thuế bảo vệ môi trường cao nhất là 1.000 đồng/ lít. Sang ngày 01/01/2023, mức thuế bảo vệ môi trường sẽ trở về mức cũ khoảng 4.000 đồng/ lít xăng và dầu là khoảng từ 2.500 đến 3.000 đồng/lít.
Dự báo giá xăng có thể tiếp tục ở ngưỡng cao trước những căng thẳng định chính trị, khan hiếm nguồn cung do xung đột Nga - Ukraine, việc đưa ra các biện pháp về thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu sẽ giúp giảm áp lực lạm phát ở nửa cuối năm.
Tính từ đầu năm, giá mặt hàng này đã trải qua 18 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Hiện, giá bán lẻ xăng trong nước vẫn cao hơn so với đầu năm khoảng 20-24%. So với hồi đầu năm, mỗi lít xăng RON 95-III vẫn đắt hơn 5.800 đồng; E5 RON92 là 4.630 đồng; còn dầu diesel vẫn cao hơn gần 8.400 đồng...
VTV.vn