Chinh phục đỉnh lịch sử, cổ phiếu SFI có gì hấp dẫn?
Với lợi nhuận tăng gấp 4 lần trong quý 4, một bảng báo cáo tài chính lành mạnh, khoản lãi tạm tính rất lớn từ đầu tư và bối cảnh thuận lợi của ngành logistics, cổ phiếu SFI đã tăng trưởng rất mạnh trong nửa năm qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/2, cổ phiếu SFI của CTCP Đại lý Vận tải SAFI tăng trần và đóng cửa tại giá 39.900 đồng – giá cao nhất trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết. Không khó để lý giải cho sức hấp dẫn của doanh nghiệp gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực vận tải bao gồm hàng không, hàng hải, kinh doanh kho bãi, sở hữu những lợi thế lớn như SAFI.
Trong báo cáo tài chính mới công bố, SAFI cho biết doanh thu đạt 427 tỷ đồng – tăng 75% so với cùng kỳ năm trước nhờ sản lượng và giá cước vận chuyển quốc tế đường hàng không duy trì tăng cao từ cuối quý 3/2020. Doanh thu tài chính cũng tăng vọt lên gần 9 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính giảm mạnh do nhận cổ tức từ các khoản đầu tư chứng khoán và hoàn nhập khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính.
Nhờ đó, lợi nhuận ròng sau thuế quý 4/2020 đạt 19,3 tỷ đồng - tăng gần 4 lần so với quý 4/2019.
Cả năm 2020, SFI đạt 81,1 tỷ lợi nhuận sau thuế - tăng 84% so với năm 2019. EPS đạt 6.073 đồng/cp – tăng hơn 100% và mặc dù giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong nửa năm qua thì chỉ số P/E của SFI mới chỉ có 5,93 lần.
SAFI là một trong số ít những cổ phiếu có thể khiến những nhà đầu tư khó tính nhất cũng cảm thấy an toàn khi nhìn bảng cân đối kế toán rất lành mạnh. Tới cuối năm 2020, SFI có 136 tỷ tiền gửi ngân hàng – chiếm 36% tài sản ngắn hạn, hoàn toàn không có nợ vay ngắn hạn và dài hạn đối với ngân hàng.
Tuy nhiên, sức hấp dẫn của SFI không dừng lại ở những con số hiện tại. Khoản lãi tài chính "khổng lồ" dự kiến từ hoạt động đầu tư tài chính là điều đang được chờ đợi tại SFI.
Cụ thể, doanh nghiệp đang nắm giữ 5,29 triệu cổ phiếu VSC (tương đương 9,6% cổ phần) với giá vốn 157 tỷ đồng. Tính tới ngày 19/2, giá trị của số lượng cổ phiếu này đã lên tới 323 tỷ đồng. Như vậy, SFI có khoản lãi dự tính từ đầu tư cổ phiếu đạt hơn 166 tỷ đồng chưa ghi nhận.
Công ty cũng đang nắm 1,7 triệu cổ phiếu quỹ với giá mua chưa tới 20.000 đồng trong khi thị giá hiện tại của số cổ phiếu này là 68 tỷ đồng – đã tăng gấp đôi.
Giá trị sổ sách của SFI hiện là 36.000 đồng/cp tương đương P/B chỉ 1 lần. Giới đầu tư tính toán, nếu hiện thực lợi nhuận từ đầu tư vào VSC và cổ phiếu quỹ, giá trị sổ sách của SFI lên tới 50.000 đồng/cp tương đương P/B chỉ còn 0,72 lần.
Đánh giá về triển vọng ngành vận tải quốc tế năm 2021, giới đầu tư cho rằng SFI vẫn được hưởng lợi từ giá cước neo cao trong tình hình chung của ngành logistics quốc tế. Đầu tư FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm vừa qua sẽ tiếp tục kéo theo nhu cầu xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh.
Và Vaccin Covid-19 – niềm hy vọng để chiến thắng đại dịch - sẽ giúp nhu cầu hàng hóa toàn cầu tăng trở lại về mức tương đương 2019. Một số chuyên gia cho rằng, khi vaccine được sử dụng rộng rãi, ngành logistics thậm chí sẽ xuất hiện những loại hàng mới – vốn ít được vận chuyển trong đại dịch, nó sẽ cân bằng với sự sụt giảm có thể xảy ra từ những mặt hàng đang được vận chuyển trong đại dịch.
Cùng với đó, với vị thế đang lên trên trường quốc tế, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh và duy trì trạng thái xuất siêu trong năm 2021. Đây tiếp tục là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành logistics như SFI.