MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính quyền Biden dự định thực hiện đợt tăng thuế lớn nhất kể từ 1993

16-03-2021 - 10:06 AM | Tài chính quốc tế

Chính quyền Biden dự định thực hiện đợt tăng thuế lớn nhất kể từ 1993

Kế hoạch tăng thuế nhằm huy động tiền chi trả cho các kế hoạch kinh tế dài hạn được thiết kế để tiếp nối gói cứu trợ khổng lồ vừa được thông qua tuần trước.

Không giống như gói kích thích tài khóa trị giá 1.900 tỷ USD, sáng kiến mới – mà được dự kiến sẽ là còn lớn hơn thế - sẽ được tài trợ bằng những nguồn khác chứ không chỉ phụ thuộc duy nhất vào nợ chính phủ. Mặc dù tăng thuế rõ ràng là 1 con đường, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết ít nhất thì một phần gói cứu trợ mới sẽ được chi trả bằng cách tăng thuế. Những cố vấn chủ chốt đang chuẩn bị đề xuất một loạt biện pháp bao gồm tăng cả thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với những người có thu nhập cao.

Dưới đây là một số chi tiết đang được xem xét:

- Tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%

- Giảm ưu đãi thuế cho nhóm doanh nghiệp pass-through (tạm dịch là những doanh nghiệp mà thu nhập của doanh nghiệp sẽ chảy vào túi nhà đầu tư và chủ sở hữu, do đó thu nhập của DN cũng được coi là thu nhập của nhà đầu tư và chủ sở hữu), ví dụ như các công ty trách nhiệm hữu hạn.

- Tăng thuế đánh vào các cá nhân có thu nhập hơn 400.000 USD

- Mở rộng phạm vi đánh thuế bất động sản

- Nâng thuế thặng dư vốn đối với các cá nhân có thu nhập ít nhất 1 triệu USD/năm.

Từ trước đến nay tăng thuế vẫn là lựa chọn mang nhiều rủi ro chính trị. Kể từ khi cựu Tổng thống Bill Clinton tăng thuế năm 1993, Mỹ chưa từng thực hiện bất kỳ đợt cải cách thuế mạnh mẽ nào. Còn đối với chính quyền Biden, những thay đổi đang được lên kế hoạch chính là cơ hội để giải quyết nhiều vấn đề: vừa tìm ra nguồn tài trợ cho các sáng kiến mới trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, khí hậu và hỗ trợ người nghèo, vừa giải quyết thứ mà đảng Dân chủ gọi là chênh lệch giàu nghèo trong bản thân hệ thống thuế. Nếu thành công, kế hoạch này sẽ chứng minh khả năng thu hút các cử tri đảng Cộng hòa cũng như khả năng bảo vệ sự đoán kết trong đảng Dân chủ của Tổng thống.

Mặc dù Nhà Trắng đã bác bỏ kế hoạch trực tiếp đánh thuế người giàu như đề xuất của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, rõ ràng lối suy nghĩ của chính quyền đương nhiệm có nhắm đến giới nhà giàu. Tăng thuế đánh vào người giàu cũng là một trong những hứa hẹn mà ông Biden đã đưa ra khi tranh cử.

Một nghiên cứu độc lập do Tax Policy Center ước tính kế hoạch thuế giống như ông Biden đã đề xuất khi tranh cử sẽ giúp Mỹ huy động được 2.100 tỷ USD sau 1 thập kỷ. Tuy nhiên kế hoạch của chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ có quy mô khiêm tốn hơn, vào khoảng 500 tỷ USD.

Chính quyền Biden dự định thực hiện đợt tăng thuế lớn nhất kể từ 1993 - Ảnh 1.

Kể từ những năm 1990 đến nay doanh thu thuế liên bang luôn có xu hướng giảm. Nguồn: Bloomberg.

Đảng Dân chủ sẽ cần đến ít nhất 10 nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ kế hoạch mới để có thể được Thượng viện thông qua. Tuy nhiên các thành viên đảng Cộng hòa đang phát tín hiệu họ đang chuẩn bị "chiến đấu" chống lại kế hoạch này. Nghị sĩ Kevin Brady gọi dự định nâng thuế thặng dư vốn là 1 "sai lầm khủng khiếp về mặt kinh tế".

Ngoài ra có những sáng kiến thuế khác mà người Cộng hòa có thể ủng hộ. Ví dụ như chuyển từ thuế xăng dầu sang thu phí tính theo dặm mà mỗi phương tiện di chuyển trên cao tốc để tài trợ cho các dự án đường cao tốc. Hoặc chi nhiều tiền hơn cho Sở thuế vụ Hoa Kỳ (IRS). Một ước tính cho thấy mỗi USD mà cơ quan này chi thêm cho kiểm toán, IRS sẽ mang về thêm 3 đến 5 USD.

Đảng Dân chủ cũng đang hậu thuẫn ý tưởng xem lại các đạo luật thuế mà họ cho là chưa đủ mạnh để có thể ngăn các công ty Mỹ chuyển việc làm và lợi nhuận ra nước ngoài. Ý tưởng này cũng sẽ được đảng Cộng hòa ủng hộ.

Các chiến lược gia của đảng Dân chủ coi gói kích thích tiếp theo là cơ hội cuối cùng để thực hiện 1 cuộc cải tổ quy mô lớn giúp họ tái định hình kinh tế Mỹ trước khi các nhà làm luật phải tập trung nguồn lực cho chiến dịch tranh cử giữa kỳ vào năm 2022.

Thu Hương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên