'Chính quyền nhận xe xịn DN tặng là trái luật'
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thể nhận quà của doanh nghiệp hoạt động trong địa bàn và lĩnh vực mình quản lý.
- 23-02-2017Cà Mau đã ứng tiền sai cho công ty tặng xe Lexus
- 22-02-2017Tỉnh Cà Mau nhận quà tặng 2 xe lexus là 'đúng quy định'
- 23-09-2016Kỷ luật đại tá cấp biển xanh xe Lexus của Trịnh Xuân Thanh
Chúng tôi đã trao đổi với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về vấn đề doanh nghiệp (DN) tặng xe cho cơ quan nhà nước các cấp. TS Dũng cho rằng: “Việc các DN tặng xe cho các tỉnh, cơ quan công quyền khác… cũng giống như việc bệnh nhân đến bệnh viện, ai cũng đưa phong bì để được chăm sóc tốt hơn nên gây ra một hiệu ứng mà tôi gọi là hiệu ứng “phong bì bệnh viện”. Bây giờ một DN tặng xe cho tỉnh thì các DN khác muốn làm ăn ở đó cũng phải tặng theo phong trào”.
Chính quyền không được nhận xe của doanh nghiệp trên địa bàn
Tức là các DN tặng xe cũng phải nhắm đến những mục đích cụ thể, thưa ông?
+ TS Nguyễn Sĩ Dũng: Có nhiều mục đích nhưng có thể kể đến mục đích đầu tiên là xác lập quan hệ. Quan hệ theo văn hóa phương Đông gần như là một tài sản và phải đầu tư để có tài sản đó. Không có quan hệ, gặp được quan chức cũng mệt lắm. Vì thế quan hệ đối với DN rất quan trọng.
Đây là tôi đang nói các DN tặng quà chưa vi phạm vào các điều cấm của Luật Phòng, chống tham nhũng. Các hình thức có thể là tặng xe cho bệnh viện, tặng quà cho người nghèo, tặng nhà tình nghĩa. Ta không gộp chung các DN, bởi có thể đó là hình thức thể hiện trách nhiệm xã hội của họ.
Cũng có nhiều DN tặng quà để có cơ hội được nhắc tới, như là một cách tạo thương hiệu.
Nhưng điều đáng lo ngại nhất là tặng để vụ lợi, tức là tặng để hối lộ. Tặng để được thuận lợi trong công việc. Chẳng hạn, tôi tặng xe để sau này được cấp miếng đất ở vị trí tốt, để được quyền khai thác mỏ, để được ưu đãi về tài chính, lãi suất tín dụng…
. Theo ông, việc chính quyền nhận quà tặng là những chiếc xe trị giá hàng mấy tỉ đồng như vậy liệu có ổn?
+ Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định khác liên quan cấm tuyệt đối việc nhận quà vì vụ lợi. Cụ thể tại khoản 3 Điều 40 của luật này nêu rõ: “Nghiêm cấm lợi dụng việc tặng quà, nhận quà tặng để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi”. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thể nhận quà của DN hoạt động trong địa bàn và lĩnh vực mình quản lý.
TS Nguyễn Sĩ Dũng: “Nếu soi vào Luật Phòng, chống tham nhũng thì rõ ràng các trường hợp các tỉnh, bộ, ngành nhận xe doanh nghiệp tặng là trái luật”. Ảnh: CHÂN LUẬN
Chẳng hạn, một DN hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội hay địa bàn tỉnh nào cũng thế thì UBND cấp tỉnh cũng như các cơ quan hành chính khác của những địa phương này tuyệt đối không được nhận quà tặng của DN này. Bởi rõ ràng DN đó nằm trong địa bàn quản lý của anh thì theo luật, tặng quà kiểu gì cũng mang yếu tố vụ lợi.
. Vụ lợi ở đây có thể diễn giải cụ thể là gì, thưa ông?
+ Chẳng hạn khi DN đã tặng quà rồi sẽ “xin” kiểu: “Em muốn tòa nhà đó nâng lên một tầng, em muốn miếng đất vị trí ở kia, em muốn thuế, tín dụng được xem xét thế này, thế nọ”. Thương quyền, vị trí, đất đai, tín dụng… vì thế sẽ bị méo mó. Chính vì vậy không chỉ có luật của Việt Nam mà luật nước nào cũng quy định như vậy.
Thậm chí có nước còn cấm tuyệt đối không được nhận quà gì. Chẳng hạn một nữ nghị sĩ của Úc nhận một vé đi xem bóng đá cũng không được. Bởi vì mọi hoạt động của nghị sĩ đó đã được đảm bảo đầy đủ và nghị sĩ đó không có cớ gì để nhận một chiếc vé xem bóng đá cả.
Luật nghiêm cấm, buộc phải tuân thủ
. Có một số lý giải cho rằng: Địa phương còn khó khăn mà DN thì có lòng, việc tặng xe chỉ để phục vụ lợi ích chung. Ông nghĩ sao?
+ Lập luận như thế là rất khiên cưỡng. Tỉnh nào cũng khó, chả có tỉnh nào đủ cả. Tỉnh này làm được thì tỉnh khác cũng làm được hay sao? Không hoàn toàn như vậy.
Còn nếu nói rằng DN có lòng, muốn đóng góp cho việc chung. Thế tại sao DN hoạt động ở Cà Mau không đem xe lên tặng Mù Cang Chải? Tại sao không có tấm lòng với nơi khó khăn hơn rất nhiều mà lại có lòng với nơi có lợi cho công việc của anh? Liệu DN có trả lời được câu hỏi này không?
Rõ ràng những lập luận như thế là không ổn. Nếu anh có lương tâm thì khi lập luận như vậy anh phải thấy ngượng. Bởi lẽ làm sao mà tránh được vụ lợi.
. Nhưng có những quy định cho phép nhận quà thì sao?
+ Đúng là có quyết định của Thủ tướng quy định những trường hợp nhận quà. Nhưng ta phải hiểu nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng chỉ hướng dẫn những gì luật còn mở, chứ không thể hướng dẫn những gì luật đã cấm. Thành thử không thể căn cứ vào nghị định, quyết định về hướng dẫn nhận quà tặng, quà biếu để biện minh.
Bởi khi đó ta quên mất một nguyên tắc căn bản là: Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực cao hơn nghị định hay quyết định của Thủ tướng. Trong khi luật đã quy định không được nhận quà vì vụ lợi, các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thể nhận quà của DN đang hoạt động trên địa bàn. Tôi muốn nhấn mạnh nếu DN ở Cà Mau mà tặng xe cho Mù Cang Chải thì chắc chắn không có vụ lợi.
. Tại sao luật quy định rất rõ rồi mà tình trạng tặng xe có vẻ vẫn tràn lan?
+ Rõ ràng là luật không được áp dụng và tuân thủ nghiêm minh. Báo chí vào cuộc là rất quan trọng. Việc này có tác dụng nói rõ cho các cơ quan, tổ chức, DN biết rằng: Luật có hiệu lực cao hơn nghị định.
Nếu soi vào Luật Phòng, chống tham nhũng thì rõ ràng các trường hợp DN tặng và các tỉnh, bộ ngành nhận xe là trái luật.
Nên trả lại xe cho doanh nghiệp đã tặng
. Vậy đối với những bộ, ban ngành, các địa phương, tổ chức, cá nhân đã lỡ nhận xe quà tặng của DN rồi thì phải làm sao, thưa ông?
+ Trước hết là phải trả lại xe. Bởi khi nhận xe quà tặng là đã xác lập một mối quan hệ thân hữu với DN rồi. Môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh không cho phép xảy ra chuyện đó.
Thứ hai là phải rút kinh nghiệm. Phải đọc luật cho kỹ rồi sau đó mới đọc nghị định, quyết định, thông tư. Chấn chỉnh đội ngũ tham mưu pháp lý. Chẳng hạn như Cà Mau trước khi nhận xe thì Sở Tài chính cũng tham mưu. Có thể trình độ chuyên gia pháp luật hạn chế nên tham mưu sai.
. Nếu chỉ rút kinh nghiệm có đủ răn đe, đảm bảo nghiêm minh của pháp luật không?
. Về mặt Đảng và Nhà nước có thể xác lập những hình thức kỷ luật, bởi đó là hành vi vi phạm pháp luật rất rõ. Nếu việc nhận xe là do tập thể thì cũng phải cá thể hóa trách nhiệm, xem cá nhân nào tham mưu không đúng pháp luật.
. Khi xây dựng một hệ thống chính quyền, pháp luật và ngân sách đã quy định, đảm bảo chế độ xe công. Ông có nghĩ có cần phải nhận xe quà tặng không?
+ Tôi nghĩ không cần bởi quy định về xe công đã rất rõ ràng, ngân sách cũng đã đảm bảo. Thậm chí có nơi nào không có xe công thì ngân sách vẫn đảm bảo một khoản thuê xe.
Nhưng đối với các cơ quan công quyền, có những khái niệm bao trùm, cần phải nhớ rõ. Ví dụ như khái niệm “xung đột lợi ích”. Pháp luật có thể không ai nắm hết nhưng câu hỏi “có xung đột lợi ích không” phải được đặt ra ngay. Công quyền phải thực thi công bằng.
Phải đặt ra câu hỏi: Khi một cá nhân, DN tặng xe cho tỉnh thì có đảm bảo rằng tỉnh sẽ công bằng với các cá nhân và DN khác hay không? Đó là chưa kể đến các điều kiện kinh tế-xã hội khác. Tỉnh nhận xe thì dân có lợi hay không? Nhận xe rồi tỉnh áp một giá đất khác cho DN thì dân có thiệt hại gì không? Hay DN được còn dân mất?
Khi nằm lòng nguyên tắc đó thì các bộ, ban ngành, địa phương… sẽ biết ngay có nên nhận xe quà tặng hay không.
. Xin cám ơn ông.
Muốn xây dựng chính phủ liêm chính phải chấn chỉnh chuyện này
. Vậy theo ông, Chính phủ phải làm gì trước tình trạng này?
+ Chính phủ nên rà soát và xử lý dứt điểm tình trạng này. Bởi Thủ tướng đã chủ trương xây dựng một chính phủ liêm chính. Liêm chính thế nào được nếu vẫn tồn tại những việc như thế này? Liêm chính là phải làm theo những chuẩn mực, quy tắc và giá trị đạo đức, trong đó tuân thủ pháp luật là đòi hỏi tối thiểu của đạo đức.
Sau tuân thủ pháp luật thì phải cân nhắc liệu có nên nhận xe quà tặng đó không. DN kinh doanh khó khăn, đâu phải lấy vốn ở trên trời, nếu không có các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ, DN sẽ lỗ.
Vậy có nên nhận quà tặng không? Nhận rồi có đảm bảo công bằng với các DN khác, với nhân dân hay không? Tất cả vấn đề này cần phải được đặt ra. Mà khi đã đặt ra rồi thì chắc chắn cơ quan, cá nhân trong hệ thống công quyền sẽ biết được nên nhận hay không. Cho dù việc tặng quà ấy không vi phạm pháp luật thì cũng phải cân nhắc đến những tiêu chí đạo đức đã kể trên.
Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng, nhận thay người khác hoặc nhận qua các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong những trường hợp sau:
1. Cơ quan, đơn vị và cá nhân tặng quà có liên quan đến hoạt động công vụ do mình hoặc người mà mình nhận thay chịu trách nhiệm giải quyết (trước, trong và sau khi thực hiện công vụ) hoặc thuộc phạm vi quản lý.
2. Quà tặng của các cơ quan, đơn vị và cá nhân mà việc tặng quà đó không rõ mục đích.
(Điều 5 Quyết định 64/2007 của Thủ tướng về việc tặng quà,
nhận quà và nộp lại quà tặng…)
Pháp Luật TPHCM