MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính quyền ra 'tối hậu thư' với chủ tòa nhà 8B Lê Trực

14-10-2016 - 14:48 PM | Bất động sản

UBND quận Ba Đình đã vừa ra “tối hậu thư” yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực cung cấp hồ sơ thi công, thiết kế công trình trước ngày 15-10 để lập phương án phá dỡ giai đoạn 2 phần xây dựng sai phạm của tòa nhà.

Trước đó, từ tháng 5-2016, chính quyền quận Ba Đình đã đưa ra yêu cầu trên nhưng đến nay chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực vẫn không chịu cung cấp.

“Tối hậu thư” trên được Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Phong Cầm ký ngày 12-10 gửi Công ty Cổ phần may Lê Trực (chủ đầu tư cao ốc 8B Lê Trực) về việc cung cấp hồ sơ phục vụ công tác xử lý phần xây dựng sai phạm của tòa nhà này.

Văn bản nêu rõ từ ngày 13-5, UBND quận Ba Đình đã có Văn bản số 664 yêu cầu Công ty Cổ phần may Lê Trực cung cấp hồ sơ phục vụ công tác xử lý công tình vi phạm trật tự xây dựng tại địa chỉ 8B Lê Trực.

Đến nay, theo báo cáo của UBND phường Điện Biên, tuy đã nhiều lần đôn đốc, đề nghị nhưng chủ đầu tư vẫn chưa cung cấp toàn bộ hồ sơ bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công, thuyết minh tính toán kết cấu, chỉ dẫn kỹ thuật; hồ sơ thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế và toàn bộ hồ sơ, bản vẽ hoàn công đối với công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành của công trình vi phạm trật tự xây dựng tại địa chỉ 8B Lê Trực.

Để đảm bảo thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội, quận Ba Đình đề nghị Công ty Cổ phần may Lê Trực nghiêm túc phối hợp, cung cấp toàn bộ hồ sơ nêu trên của công trình xong trước ngày 15-10, để phục vụ công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng.

“Trường hợp Công ty Cổ phần may Lê Trực cố tình không cung cấp hồ sơ, với vai trò chủ đầu tư công ty này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức xử lý do nguyên nhân không có đầy đủ hồ sơ chi tiết về công trình vi phạm trật tự xây dựng” - văn bản này nhấn mạnh.


Để thực hiện phá dỡ nhà 8B Lê Trực, đơn vị phá dỡ phải lắp cẩu trục, ngăn lề đường để thuận tiện cho việc phá dỡ.

Để thực hiện phá dỡ nhà 8B Lê Trực, đơn vị phá dỡ phải lắp cẩu trục, ngăn lề đường để thuận tiện cho việc phá dỡ.

Cùng với đó, UBND quận Ba Đình cũng có văn bản gửi Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng (đơn vị thiết kế toà nhà 8B Lê Trực) đề nghị đơn vị này tư vấn lập phương án phá dỡ phần còn lại của của công trình sai phạm 8B Lê Trực.

Trước đó, ngày 10-10, Công ty Phương Bắc (đơn vị được chính quyền thuê phá dỡ tòa nhà) đã có báo cáo tiến độ thi công phá dỡ giai đoạn 1 và biện pháp thi công phá dỡ giai đoạn 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực. Đến ngày 10-10, Công ty Phương Bắc đã phá dỡ và cắt khúc xong cơ bản dầm, sàn bê tông tầng 19.

Hiện nay, đơn vị này đang bắt đầu tiến hành cắt khúc các cột bê tông tầng 19 và dùng cẩu trục tháp cả ngày lẫn đêm cẩu bê tông xuống mặt đất, hoàn thành toàn bộ trước ngày 30-10.


Cẩu trục phá dỡ cao ốc 8B Lê Trực đưa bê tông vụn từ nóc tòa nhà xuống

Cẩu trục phá dỡ cao ốc 8B Lê Trực đưa bê tông vụn từ nóc tòa nhà xuống

Công ty Phương Bắc cho hay trong quá trình phá dỡ giai đoạn 1, họ đã phối hợp với cơ quan chức năng khảo sát kết cấu và kiến trúc phần chiều cao vi phạm và phần giật cấp của toàn hà để lập biện pháp phá dỡ giai đoạn 2.

“Do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của công trình nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ giai đoạn 2 rất khó khăn. Cụ thể, phá dỡ phần giật cấp hầu như sẽ phải phá bỏ phần cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà. Do vậy, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kết cấu, kiến trúc của tòa nhà, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo các chuyên gia kỹ thuật của Bộ Xây dựng, Tổng hội Xây dựng VN, Sở Xây dựng Hà Nội… giao cho đơn vị thiết kế tòa nhà là Công ty TNHH Tư ấn Đại học Xây dựng lập thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2”, báo cáo của Công ty Phương Bắc nêu.

Đơn vị này cũng cho biết sau khi có cơ sở đánh giá của các chuyên gia và đơn vị tư vấn thiết kế, nếu thiết kế phá dỡ giai đoạn 2 được đánh giá là an toàn tuyệt đối thì họ sẽ có đủ căn cứ để hoàn chỉnh biện pháp phá dỡ giai đoạn 2 để trình lên cơ quan chức năng phê duyệt.

Theo kết luận của cơ quan chức năng về sai phạm của toà nhà 8B Lê Trực thì: chủ đầu tư tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19; tổng chiều cao thực tế khoảng 69 m, trong khi giấy phép xây dựng chỉ cho phép xây cao 53 m (vượt 16 m, tương đương năm tầng).

Diện tích sàn xây dựng khoảng 36.000 m2, vượt phép hơn 6.100 m2.

Ngoài ra, toà nhà còn sai phạm về khoảng lùi của công trình. Cụ thể, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện (đã xây thẳng đến mái).

Phần giật cấp đầu hồi phía đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía tây nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn.

Với các sai phạm trên, các cơ quan chức năng đã tiến hành phá dỡ toà nhà theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 phá dỡ tum và tầng 1, sắp thực hiện xong; giai đoạn 2 tiếp tục phá dỡ chiều cao xây vượt và phần công trình không xây giật cấp, tạo khoảng lùi.

Theo Trọng Phú

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên