Chính sách mới về BHYT áp dụng từ tháng 10-2023
Nghị định 75/2023/NĐ-CP chính thức quy định việc dùng VNeID thay thẻ BHYT giấy khi đi khám bệnh.
Nghị định 75/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT có một số điểm mới về chính sách BHYT như sau:
1. Có thể dùng VNeID thay thẻ BHYT giấy khi đi khám bệnh
Cụ thể, Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi quy định về xuất trình thẻ BHYT giấy khi khám chữa bệnh (khoản 1 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP) như sau:
Người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc căn cước công dân; trường hợp xuất trình thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP.
Như vậy, Nghị định 75/2023/NĐ-CP chính thức quy định việc dùng VNeID thay thẻ BHYT giấy khi đi khám bệnh.
2. Thêm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí
Theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP, đối tượng mới được bổ sung vào nhóm được cấp thẻ BHYT miễn phí do ngân sách nhà nước đóng là:
Người dân thuộc các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Trong đó, đối tượng này không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 12 Luật BHYT.
Ngoài ra, Nghị định 75/2023/NĐ-CP còn sửa đổi quy định về 02 đối tượng thuộc nhóm tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng bao gồm:
- Người thuộc diện hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội.
- Người thuộc hộ gia đình nghèo theo chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 quy định tại Nghị định 07 năm 2021 và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
3. Bổ sung đối tượng được hỗ trợ mức đóng BHYT từ NSNN
Nghị định bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT, gồm:
Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
4. Nâng mức hưởng lên 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT với một số đối tượng
Cụ thể, đối tượng được nâng mức hưởng lên 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT gồm:
- Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, gồm:
+ Người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được hưởng trợ cấp theo một trong các văn bản sau:
++ Quyết định 290/2005/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước;
++ Quyết định 188/2007/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 290/2005/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước;
++ Quyết định 142/2008/QĐ-TTg về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương;
+ Người đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg nhưng không phải là cựu chiến binh tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP;
+ Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương;
+ Thanh niên xung phong đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định 170/2008/QĐ-TTg về chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng phí đối với thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Quyết định 40/2011/QĐ-TTg quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến và Nghị định 112/2017/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975;
+ Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định 49/2015/QĐ-TTg về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
- Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, còn nâng mức hưởng lên 95% chi phí khám chữa bệnh BHYT với một số đối tượng (Xem thêm tại điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP).
5. Điều chỉnh quy định về mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách Nhà nước
Cụ thể, mở rộng nhóm đối tượng được nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.Nghị định 75/2023/NĐ-CP quy định hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các huyện nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền.
(Trong khi đó, trước đây chỉ quy định hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và các huyện được áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP)
Bên cạnh đó, thêm đối tượng được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT:
Là những người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
(6) Sửa quy định phương thức đóng BHYT của một số đối tượng
- Đối với các đối tượng quy định tại các khoản 3, 5, 8, 11, 12, 18, 19 và 20 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, hằng quý, cơ quan lao động thương binh và xã hội chuyển kinh phí từ nguồn thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nguồn thực hiện chính sách bảo trợ xã hội vào Quỹ BHYT. Trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, cơ quan lao động thương binh và xã hội phải thực hiện xong việc thanh toán, chuyển kinh phí vào Quỹ BHYT của năm đó.
- Đối với đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 6, 7, 9, 10, 13, 14 và 17 Điều 3 và các khoản 1, 2 và 5 Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP:
+ Hằng quý, cơ quan BHXH tổng hợp số thẻ BHYT đã phát hành và số tiền đóng, hỗ trợ đóng theo Mẫu số 1 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHYT theo quy định tại khoản 9 Điều 9 Nghị định 146/2018/NĐ-CP;
+ Thời điểm để tính số tiền phải đóng đối với các đối tượng được lập danh sách hằng năm, tính tiền đóng từ ngày 01 tháng 01; đối với các đối tượng được bổ sung trong năm, tính tiền đóng từ ngày được xác định tại quyết định phê duyệt danh sách của cơ quan có thẩm quyền;
+ Trường hợp người tham gia BHYT tử vong, mất tích hoặc không còn cư trú tại Việt Nam, số tiền đóng BHYT tính từ thời điểm đóng đến thời điểm ngừng đóng theo danh sách báo giảm đóng của cơ quan có thẩm quyền lập
nld.com.vn