MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính sách nhà ở xã hội đang bị trục lợi

15-11-2016 - 08:32 AM | Bất động sản

Theo ông Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, chính sách nhà ở xã hội trên thực tế “đang bị bóp méo và trục lợi”…

Tự ý đục tường thông phòng chung cư là vi phạm luật

Trong chất vấn gửi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu vấn đề: Nhà ở xã hội là chính sách tốt đẹp của Nhà nước dành cho người thu nhập thấp. Đi liền với chính sách đó, Chính phủ đã phải dành một phần ngân sách không nhỏ để thực hiện chính sách này. Tuy nhiên trên thực tế, chính sách này đang bị bóp méo để trục lợi, mà nguyên nhân là do buông lỏng quản lý nhà nước.

Ông Cương dẫn chứng một số căn hộ thuộc nhà ở xã hội như tòa nhà Bắc Hà Lucky Building (30 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị đập thông nhau thành những phòng có diện tích lớn hơn 100m2, sai với thiết kế ban đầu.


Tòa nhà Bắc Hà Lucky 30 Phạm Văn Đồng của CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại Bắc Hà theo công bố mới đây cũng một trong những công trình đóng mác “điểm đen” về PCCC.

Tòa nhà Bắc Hà Lucky 30 Phạm Văn Đồng của CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại Bắc Hà theo công bố mới đây cũng một trong những công trình đóng mác “điểm đen” về PCCC.

“Với tư cách là cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ có nắm được thông tin này không? Quan điểm của Bộ khi chính sách nhà ở xã hội đang bị trục lợi?” – đại biểu Cương chất vấn.

Ký văn bản trả lời đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định Bộ đã nắm được thông tin đại biểu nêu và đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra, làm rõ, xử lý sai phạm (nếu có). Theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội thì có một số căn hộ ghép căn tại tòa nhà Bắc Hà Lucky Building.

“Theo đơn trình bày và hồ sơ của các chủ sở hữu căn hộ cung cấp thì các căn hộ ghép căn này đều có quan hệ trong gia đình (bố con, anh chị em) và các hộ cho rằng ghép căn là để tiện cho sinh hoạt gia đình” - văn bản nêu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định: “Việc đục thông tường giữa các căn hộ mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng.

Theo quy định của pháp luật, hành vi tự ý đục phá, cải tạo, tháo dỡ kết cấu của phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng của nhà chung cư sẽ bị phạt tiền từ 50-60 triệu đồng đối với tổ chức, 25-30 triệu đồng đối với cá nhân”.

“Trường hợp kê khai không đúng đối tượng và điều kiện để được mua nhà ở xã hội thì hợp đồng mua bán nhà không có giá trị pháp lý và bên mua nhà ở xã hội phải bàn giao nhà lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội, trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì UBND TP Hà Nội có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế để thu hồi”.

Với dự án cụ thể dẫn chứng ở trên, ông Cương cho biết sau khi nghe báo chí phản ánh, Sở Xây dựng đã thanh tra từ ngày 22-9, tuy nhiên sau hơn một tháng, Sở vẫn chưa thông báo kết quả, không trả lời báo chí. Trách nhiệm của Sở Xây dựng TP Hà Nội và việc xử lý trách nhiệm được xác định như thế nào trong vụ việc này?

Nêu tại văn bản trả lời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ngày 11/10/2016, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng TP Hà Nội đề nghị kiểm tra làm rõ và thực hiện việc xử lý những sai phạm (nếu có) hoặc báo cáo UBND TP để xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Sở Xây dựng TP Hà Nội đã giao cho Thanh tra Sở thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm tại dự án này theo thẩm quyền.

“Đến nay, Bộ Xây dựng chưa nhận được báo cáo chính thức của Sở Xây dựng về việc này” – văn bản nêu.

Tại văn bản trả lời Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng nêu rõ: “Việc Sở Xây dựng TP Hà Nội chậm xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở (nếu có) thì UBND TP Hà Nội cần yêu cầu làm rõ trách nhiệm để xử lý”.

Vi phạm phải được xử lý nghiêm minh

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian qua từ phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, qua kiểm tra đã phát hiện và thực hiện thu hồi 10 căn hộ sai phạm. Trong đó thu hồi 2 căn hộ chuyển nhượng trái phép và 8 trường hợp hộ gia đình đăng ký mua nhà 2 lần ở các dự án NƠXH trên địa bàn.


“Những hành vi vi phạm quy định pháp luật về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

“Những hành vi vi phạm quy định pháp luật về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

Mới đây, câu chuyện 3 người nhà Phó tổng Giám đốc mua nhà ở xã hội Rice City (khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) đã làm nóng lên câu chuyện về nhà ở xã hội trong dư luận. Theo danh sách các đối tượng được xét duyệt mua NOXH đợt 2 tại dự án nhà ở xã hội Rice City có 3 người thân của ông Lục Minh Hoàn – Phó Tổng giám đốc Công ty CP BIC Việt Nam (chủ đầu tư dự án) “lọt” vào danh sách này gồm: bố đẻ, vợ và mẹ vợ ông Hoàn.

Cũng phải nói thêm rằng, không chỉ là chủ dự án nhà ở xã hội Rice City Công ty CP BIC Việt Nam hiện cũng đang là chủ đầu tư của nhiều khu nhà ở xã hội khác. Khi những phản ánh về dự án Rice City, Bắc Hà Lucky Building chưa được kết luận xử lý rõ ràng công khai thì với những dự án khác cũng không tránh khỏi những băn khoăn, hoài nghi của dư luận. Và không chỉ dừng lại ở câu chuyện của một hai dự án Rice City hay Bắc Hà Lucky Building đó còn là niềm tin về cả một chính sách – chính sách nhà ở xã hội.

Nêu quan điểm của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định: “Quan điểm của Bộ Xây dựng là những hành vi vi phạm quy định pháp luật về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật, chính sách về nhà ở xã hội nhằm ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật

Hồng Khanh

Theo Hồng Khanh

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên