ADB, JICA “bắt bệnh” các dự án giao thông của Việt Nam
Thiếu vốn đối ứng, chậm trễ trong GPMB, ,các vấn đề về quản lý, thanh toán hợp đồng… dường như vẫn là “bệnh kinh niên” trong hoạt động đầu tư các dự án giao thông ở Việt Nam.
Đó là một trong những đánh giá đáng chú ý của các đại diện đến từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải Việt Nam về việc kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án giao thông do ADB và JICA tài trợ, vừa kết thúc chiều muộn 21/5.
Theo đó, thống kê và đánh giá của JICA Nhật Bản cho thấy, hiện có 20 dự án của JICA thuộc Bộ Giao thông vận tải Việt Nam quản lý với tổng số vốn vay cam kết hơn 620,7 triệu Yên.
Tính đến hết 31/3/214, tổng giá trị hợp đồng đã thông qua hơn 393,2 triệu Yên (đạt khoảng 63%); Lũy kế vốn vay giải ngân xấp xỉ 50%, còn lại số chưa giải ngân là 50%.
Năm tài khóa 2013, các dự án giao thông do Bộ Giao thông vận tải Việt Nam quản lý chiếm 60% tổng các dự án JICA tại Việt Nam, trong đó, giải ngân thực tế là 81,2 triệu Yên, đạt 59% kế hoạch.
Dự kiến, năm tài khóa 2014 (tính từ 1/4/2014 đến 31/3/2015) sẽ giải ngân khoảng hơn 109,6 triệu Yên, chiếm 51,43% tổng các dự án JICA tại Việt Nam.
Đối với dự án giao thông của ADB đầu tư tại Việt Nam, có 12 lượt dự án, tổng giá trị các khoản vay đã cam kết là 3,56 tỷ USD.
Trong đó, tổng giá trị các hợp đồng đã ký đạt 45%; giá trị giải ngân lũy kế 28%.
Các chuyên gia tham dự buổi làm việc nhận định rằng, tiến độ thực hiện các dự án giao thông ADB chậm, tỷ lệ giải ngân thấp; nguyên nhân do thiếu vốn đối ứng; chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, trong đấu thầu.
Bên cạnh đó, các vấn đề về quản lý hợp đồng, kế hoạch vốn giao hàng năm, thanh toán hợp đồng,… cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện 14 dự án JICA và ADB tại Việt Nam.
Gồm, dự án cầu Nhật Tân, đường Nội Bài - Nhật Tân; dự án xây dựng 44 cầu; Yên Viên - Lào Cai, Vành đai 3, Quốc lộ 3 mới, cảng Lạch Huyện, cầu yếu TSL II;
Dự án đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hành lang ven biển phía Nam; Kết nối giao thông đồng bằng sông Mê Kông, hành lang GMS thứ hai phía Bắc).
Đồng thời, các chủ đầu tư dự án cũng đã giải trình và kiến nghị giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án này.
Trên cơ sở nhận định của đại diện JICA và ADB, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, cho biết: Bộ Giao thông vận tải Việt Nam sẽ yêu cầu các chủ đầu tư có giải pháp xử lý cụ thể đối với từng dự án.
Đồng thời, bộ yêu cầu các bên tham gia phải tổng hợp thông tin kịp thời để bộ gửi văn bản tới các bộ, ngành có liên quan để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc với những vấn đề chung có thẩm quyền cao hơn.
Đặc biệt, trong việc giải quyết những vướng mắc liên quan đến vấn đề bố trí nguồn vốn và giải ngân dự án.
Thứ trưởng Đông cũng đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải có phản hồi và đề xuất hướng giải quyết cụ thể về những nhận định của ADB, JICA đã nêu ra nhằm đảm bảo thực hiện các dự án đúng tiến độ và yêu cầu về chất lượng.