Bao nhiêu dự án BĐS phải tạm dừng triển khai?
Theo quy định của Nghị định phát triển đô thị, các dự án không giải phóng được mặt bằng, các dự án có chức năng không phù hợp quy hoạch và dự án chậm tiến độ bị thu hồi đất sẽ phải dừng triển khai.
Theo Thông tư liên tịch số 20 mà Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ mới ban hành về hướng dẫn chi tiết Nghị định 11 về phát triển đô thị được Chính phủ ban hành vào 14/1/2013. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 5/1/2014.
Điều 25 Thông tư 20 có quy định về việc rà soát, phân loại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã được chấp thuận, cho phép đầu tư, từ đó để có cơ sở đánh giá tình hình tồn kho BĐS, dự án nào tiếp tục triển khai, chuyển đổi và dừng triển khai.
Việc rà soát, đánh giá thực trạng và phân loại được UBND cấp tỉnh giao cho Sở Xây dựng chủ trì thực hiện. Qua đó, UBND cấp tỉnh quyết định việc dừng, tạm dừng hoặc cho tiếp tục triển khai.
3 loại dự án phải dừng triển khai từ 5/1/2014
Nhóm dự án được triển khai: Các dự án có sản phẩm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của thị trường, phù hợp quy hoạch phân khu, chủ đầu tư có năng lực đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ, chất lượng đã được duyệt.
Nhóm dự án cần điều chỉnh để tiếp tục triển khai: Các dự án cơ bản hoàn thành GPMB, dự án đã thực hiện đầu tư nhưng cần điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch, hoặc cần điều chỉnh loại sản phẩm và thời điểm cung cấp để phù hợp với nhu cầu thị trường.
Nhóm các dự án tạm dừng: Các dự án cơ bản đã xong GPMB nhưng có sản phẩm nhà ở cùng loại với sản phẩm hiện đang tồn kho nhiều trên thị trường, và không thể điều chỉnh; Các dự án chưa thực hiện GPMB hoặc diện tích đã GPMB thấp hơn 30%; Các dự án chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án.
Nhóm dự án phải dừng: Các dự án không giải phóng được mặt bằng, dự án không phù hợp quy hoạch, dự án thực hiện chậm tiến độ phải bị xử lý thu hồi theo quy định của pháp luật.
Trên 500 dự án tạm dừng triển khai
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng cả nước có 4.015 dự án, tổng mức đầu tư 4,5 triệu tỷ đồng, tổng diện tích đất theo quy hoạch là 102.228ha. Trong đó, số dự án tiếp tục triển khai 3.154 (78,6%), dự án cần điều chỉnh cơ cấu là 455 (12%).
Bộ Xây dựng cho biết, Bộ vừa yêu cầu dừng triển khai 524 (13%) dự án nhà ở, khu đô thị mới, với diện tích 16.865ha. Hầu hết các dự án này đều mới chỉ giải phóng dưới 30% diện tích.
Riêng tại Tp.HCM hiện có khoảng 1.386 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích 11.770,71ha; tổng số 496.272 căn trong đó có 85 dự bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, 689 dự án đang ngừng triển khai đầu tư xây dựng.
Tại Hà Nội, Mê Linh được xem là khu vực có nhiều dự án khu nhà ở, khu đô thị mới đang để hoang hóa nhiều nhất. Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rà soát các dự án khu vực này. Theo báo cáo của Sở kế hoạch và Đầu tư ngày 2/12/2013, Mê Linh hiện có 47 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích khoảng hơn 2.000ha, hầu hết được phê duyệt trước thời điểm hợp nhất về Hà Nội. Kết quả rà soát, phân loại cho thấy, có 15 dự án đã hoàn thành GPMB chiếm 846ha, 18 dự án đã GPMB một phần và 14 dự án chưa GPMB. Có tới 33/47 dự án này là chậm tiến độ.
Theo đề xuất của Sở này, đối với 12 dự án đã GPMB, hiện đã san nền, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đề nghị cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn 14 dự án chưa GPMB cần rà soát lại trình tự, thủ tục báo cáo Thành phố xử lý theo quy định. Đối với 20 dự án đã GPMB nhưng chưa có thông tin báo cáo về tình hình triển khai giao cho Thanh tra Thành phố kiêm tra.
Qua đánh giá rà soát của 55/63 địa phương cho thấy, tổng giá trị hàng tồn kho ở các dự án bất động sản vào khoảng 102.000 tỷ đồng. Trong đó căn hộ chung cư khoảng 23.007 căn, nhà thấp tầng 15.000 căn, đất nền nhà ở 10,6 triệu m2, đất nền thương mại 2 triệu m2.
Như vậy, giá trị tồn kho đã giảm 26.660 tỷ đồng so với tháng 3/2013. Trước đó, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng cho biết giá trị tồn kho bất động sản tháng 9/2013 (101.889 tỷ), đã giảm 4.206 tỷ đồng (giảm 3,96%) so với tháng 8/2013 (106.095 tỷ).
Kiều Thuật