MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cầu vượt Đàn Xã Tắc: Hà Nội lại đổi ý

30-07-2014 - 09:55 AM |

Hà Nội đề xuất phương án xây cầu vượt bằng thép qua Đàn Xã Tắc, tim cầu có 3 đường cong lần lượt là 400, 250 và 295 mét.

Thông tin trên được ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết chiều 29/7 tại cuộc họp báo giao ban Thành ủy Hà Nội.

Về phương án xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, ông Bảo cho biết, Chủ đầu tư và Tư vấn lập dự án đề xuất 3 phương án (trong đó có phương án cầu chữ Y). Sau khi tiếp thu ý kiến của các sở ngành, chuyên gia, đơn vị này tập trung vào 2 phương án, trong đó phương án nhận được sự đồng thuận cao là xây dựng cầu vượt bằng thép theo hướng đường vành đai 1, tim cầu đi lệch về phía Nam nút đường Nguyễn Lương Bằng.

Thông số kỹ thuật cụ thể được Ban QLDA thông tin cụ thể như sau: 

Đường cong nằm: R1/R2/R3 (hướng tuyến từ Kim Liên - Hoàng Cầu), tim cầu có 3 đường cong nằm bán kính cong lần lượt là 400, 250 và 295m.

Khoảng cách lớn nhất từ tim nhánh VĐ1 đến tim quy hoạch là 22.91m. Khoảng cách mín từ lan can cầu đến chỉ giới quy hoạch nhánh Kim Liên (Phía Nam/Bắc) là 5.0/18m; Nhánh Hoàng Cầu (Phía Nam/Bắc) là 6.6/18m. Cầu có bề rộng là 14m; sơ đồ nhịp chiều dài cầu là 470m.

Theo đại diện Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, việc xây dựng cầu vượt này nằm trong Dự án xây dựng nút giao thông Ô Chợ Dừa gồm: xây dựng cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, tổ chức giao thông…

Ông Bảo cho hay, để chuẩn bị cho việc xây dựng cầu vượt này, Chủ đầu tư đã phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai nghiên cứu các phương án kiến trúc, quy hoạch mặt bằng trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở ngành, chuyên gia… Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, Viện Khảo cổ học tổ chức thám sát khảo cổ và giám sát trong quá trình thi công đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu.

"Hiện Chủ đầu tư đang lập hồ sơ bổ sung cục bộ chỉ giới đường đỏ, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư khu vực dự án để hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc, báo cáo Sở Quy hoạch Kiến trúc", ông Bảo nói.

Theo vị Giám đốc Ban QLDA trọng điểm Hà Nội cho biết, tổng số tiền chi cho việc xây dựng nút giao thông này sẽ là 350 tỷ đồng, trong đó số tiền giải phóng mặt bằng là 150 tỷ đồng. Dự án sẽ được xây dựng cùng thời gian xây dựng dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục và dự tính hoàn thành vào năm 2017.

Vì sao lại thay đổi?

Dự án cầu vượt Đàn Xã Tắc đã gây ra nhiều tranh cãi. Sau khi đưa ra phương án lựa chọn của Ban Quản lý dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã cho rằng phương án này vi phạm Luật di sản, xâm hại trực tiếp tới vùng lõi của di tích. Phải dừng ngay dự án.

Sự việc buộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phải có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội liên quan đến giải pháp giao thông tại khu vực Đàn Xã Tắc.

Trước phản ứng của dư luận, các chuyên gia Hà Nội đã chỉ đạo dừng dự án và tiến hành hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học. Sau khi có đủ luận cứ khoa học và thực tiễn, thành phố sẽ phê duyệt phương án xây dựng theo đúng quy định hiện hành.

Tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, chiều ngày 5/6/2013, UBND Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các Bộ GTVT, Xây Dựng, Văn hóa- Thể thao và Du lịch, các hiệp hội ngành nghề, các nhà khoa học, các nhà sử học, nhà văn hóa.

Tại đây, đa số các ý kiến chuyên gia đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện xây cầu vượt theo phương án 3 và 4.

Theo phương án 3: Cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1, đi lệch về phía Nam (phía đường Nguyễn Lương Bằng). Phương án này phù hợp với quy hoạch, cầu đi lệch về phía Nam nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu lưu thông; khoảng cách với nhà dân nằm trong giới hạn tối thiểu. Tuy nhiên phương án này giải quyết được yêu cầu về ưu tiên bảo tồn về di tích Đàn Xã Tắc.

Với phương án 4: Cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1, đi lệch về phía Nam có thiết kế bổ sung cầu nhánh đi 1 chiều từ Khâm Thiên qua nút Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên đường vành đai 1.

Tiếp sau đó, PGS - Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện khảo cổ học cho biết từ ngày 15/8, Viện khảo cổ sẽ tiến hành thám sát, khai quật 4 mố trụ cầu vượt đi qua di tích Đàn Xã Tắc. Quyết định thám sát bốn mố trụ cầu này, Hà Nội đã chọn phương án cầu chữ Y, được các chuyên gia đánh giá là khả quan nhất.

Việc thám sát này nhằm đảm bảo cho các bước thi công tiếp theo. Thời gian khai quật các mố trụ khoảng 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 11), kết quả thám sát sẽ được báo cáo Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL.

Ông Bùi Văn Liêm - Viện phó Việp khảo cổ học sẽ chủ trì khai quật. 4 mố trụ cầu là: PR1:20 m2; PR2: 20m2 (theo hướng Khâm Thiên) và PR3: 20m2; PR4: 20m2 (theo hướng Hoàn Cầu).

Theo ông Liêm, quyết định thám sát 4 mố trụ cầu này, Hà Nội đã lựa chọn phương án 42b (tức là phương án 4) phương án cầu vượt chữ Y.

>>> Xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc: Vi phạm Luật Di sản?

Theo Lam Lam

ngatt

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên