MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chậm mặt bằng, nhà thầu có thể “kiện ngược”

29-11-2013 - 11:18 AM |

Tại Dự án Hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 1, đại diện chủ đầu tư là Tổng công ty Cửu Long cho biết, các nhà thầu sẽ “kiện ngược” vì địa phương chậm bàn giao mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ.

Lâu nay chỉ thấy địa phương, chủ đầu tư khiếu kiện nhà thầu vì chậm tiến độ, thi công không đảm bảo an toàn..., nhưng ở Dự án Hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 1 dù đang vào giai đoạn nước rút nhưng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc. Đại diện chủ đầu tư là Tổng công ty Cửu Long cho biết, các nhà thầu sẽ “kiện ngược” vì địa phương chậm bàn giao mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ.

Mặt bằng “xôi đỗ”

Ông Dương Tuấn Minh - Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết, hiện chỉ có đoạn 6,5km tuyến tránh Tắc Cậu và hai cầu Cái Lớn, Cái Bé sẽ thông xe trước Tết Nguyên đán 2014, còn lại các đoạn khác đều hiện hữu nguy cơ chậm tiến độ. Thực tế trên công trường, công tác thi công của các nhà thầu đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đoạn dài hàng kilômét, nhưng xe máy, thiết bị phải nằm đắp chiếu chờ mặt bằng. Trong đó, tuyến Minh Lương - Thứ Bảy đến nay mới bàn giao được 80% mặt bằng. Hiện vẫn còn vướng 57 hộ, trong đó có 46 hộ chưa nhận tiền và 11 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao.

Đại diện Liên danh nhà thầu Hanshin - Kudong than thở, khó khăn nhất phải kể đến đoạn mở rộng QL63 qua huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Đã 3 năm rồi mà công trình vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Phía bên trái tuyến (hướng Kiên Giang - Cà Mau) còn 38 hộ chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng. Bên phải tuyến vướng 154 hộ. Nhà thầu đã tập kết phương tiện, máy móc đến thi công nhưng bị người dân cản trở. Cực chẳng đã, chủ đầu tư phải đưa ra phương án để các nhà thầu triển khai những tuyến làm mới trước, còn thi công mở rộng QL63 thực hiện sau.

Ông Huỳnh Quốc Việt - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành công tác GPMB ngay trong tháng 11/2013 để bàn giao cho nhà thầu. Mặc dù vậy, với khối lượng còn lại khá lớn thì xem ra cam kết này khó trở thành hiện thực. Cùng với đó, đoạn qua tỉnh Kiên Giang cũng đang còn rất nhiều vướng mắc, chưa xác định được thời điểm bàn giao mặt bằng sạch. Do vậy, công tác triển khai thi công các dự án của nhà thầu còn gặp rất nhiều trắc trở.

Với tuyến tránh TP Rạch Giá, Thứ Bảy - Kênh 14 cũng đang vướng mặt bằng nhiều điểm. Có nơi chỉ vướng vài hộ dân nhưng diện tích khá lớn nên nhà thầu cũng chỉ thi công được những đoạn đã bàn giao mặt bằng. Một số vị trí như cầu Ngã Bác, nhà thầu phải huy động thiết bị lần thứ 2 nhưng vẫn chưa thi công được.

Theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và các nhà thầu thì giai đoạn I của dự án sẽ kết thúc vào tháng 5/2014. Tuy nhiên, với tiến độ GPMB như hiện nay thì các nhà thầu rất khó đảm bảo tiến độ. Liên danh nhà thầu cho biết, họ đang tiến hành thu thập tài liệu, thống kê mức thiệt hại do mặt bằng bàn giao chậm để có phương án hợp lý kiến nghị lên chủ đầu tư.

Về phía chủ đầu tư, Tổng công ty Cửu Long đang tính toán có thể xin gia hạn hợp đồng từ 5 - 7 tháng tùy theo tiến độ bàn giao mặt bằng. “Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án và tránh bị nhà thầu “kiện ngược” do chậm GPMB, đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang quyết liệt chỉ đạo các bộ phận hoàn thành GPMB trước tháng 11/2013” - ông Minh kiến nghị.

Lo ngại chất lượng

Ngoài khó khăn về mặt bằng, công tác quản lý chất lượng cũng là vấn đề đáng lo ngại. Do mặt bằng “xôi đỗ”, các nhà thầu thi công không liền mạch, nên công tác quản lý chất lượng công trình vì vậy phải được giám sát chặt chẽ. Mới đây, đại diện chủ đầu tư đã phải chấn chỉnh lại lực lượng tư vấn giám sát SMEC, đuổi việc 1 kỹ sư khối lượng và 5 kỹ sư giám sát phụ trách gói thầu CW7/2. Chủ đầu tư, cũng yêu cầu thay thế Trưởng tư vấn của SMEC tại dự án thành phần 1.1.

Sau khi chấn chỉnh lại nhân sự tại hiện trường, công tác quản lý chất lượng công trình được siết chặt hơn. Tư vấn đã chỉ đạo nhà thầu sửa chữa khâu thoát nước mặt và nước mưa, cửa thoát nước ngang gia tải, quản lý môi trường, kiểm tra sức khỏe, an toàn của người lao động.

Ngoài các khó khăn trên, một vấn đề khác cũng nan giải không kém là việc bố trí vốn đối ứng trả thuế VAT và kinh phí cho GPMB. Theo báo cáo của chủ đầu tư, vốn ứng trước kế hoạch 2014 của dự án được bố trí 200/397,5 tỷ đồng để trả thuế VAT. Chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu nhưng mới giải quyết nợ VAT đến hết tháng 8/2013. Từ nay đến cuối năm cần thêm khoảng 108 tỷ đồng nữa vừa để chi trả GPMB vừa trả nợ thuế nhưng hiện vẫn chưa được bố trí.

Dự án đường Hành lang ven biển phía Nam được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I có tổng chiều dài 108,8km, bao gồm xây dựng mới 81,6km và 18,2km cải tạo nâng cấp đường hiện hữu. Tổng mức đầu tư của dự án là 398 triệu USD (tương đương 8.159 tỷ đồng) sử dụng nguồn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc (thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - EDCF), vốn vay ưu đãi của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Theo Phan Tư

ngatt

Giao Thông Vận Tải

Trở lên trên