'Đánh đổi bằng mọi giá' tất xảy ra xung đột
Những thực tế về "quy hoạch treo" và "sự đánh đổi bằng mọi giá" làm cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn, bấp bênh kéo theo những xung đột xã hội là hệ lụy tất yếu.
Nhằm huy động người dân tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật đất đai sửa đổi sẽ được đưa ra xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội khóa tới, VietNamNet phối hợp với Liên minh Đất đai tổ chức thăm dò ý kiến nhân dân về lấy ý kiến đồng thuận và tỷ lệ đồng thuận của người dân đối với các phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của quận,huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Xin được giới thiệu góc nhìn từ của ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Liên minh Đất đai (LANDA)
'Đánh đổi bằng mọi giá' tất xảy ra xung đột
Sau một thời gian thực hiện nhiều hình thức tham vấn, cá nhân ông và Landa đã rút ra được những điểm gì bất cập nhất trong Luật đất đai hiện hành? Những điều gì cần được ưu tiên sửa đổi sớm?
Luật Đất đai năm 2003 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật là một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, thể hiện những quan điểm đổi mới của Đảng, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Luật này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những hạn chế và bất cập cần nhanh chóng sửa đổi. Có thể sơ lược tóm tắt vào 4 vấn đề chính sau đây:
Thứ nhất: Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất: Hầu hết người dân ở các địa phương thường không được biết thông tin rõ ràng về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cũng như tiến trình thực hiện Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất ở địa phương mình.
Có thể nói, người dân bị đứng ngoài cuộc và không được tham gia đóng góp ý kiến của mình trong toàn bộ quá trình lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là các trường hợp liên quan tới việc thu hồi đất của họ để thực hiện các dự án.Kết quả là ở nhiều nơi quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất không phù hợp với thực tế.
Ngoài việc gây lãng phí tài nguyên đất, vấn đề trên còn gây tác động tiêu cực tới sinh kế của người dân. Những thực tế về "quy hoạch treo" và "sự đánh đổi bằng mọi giá" của Chính quyền địa phương... đã làm cho cuộc sống của họ bị đảo lộn, bấp bênh kéo theo những xung đột xã hội là hệ lụy tất yếu.
Chế độ sử dụng đất đối với đất nông nghiệp do nông dân sử dụng, và chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai: Từ xưa đến nay cuộc sống và sinh kế của cộng đồng các dân tộc thiểu số luôn gắn với rừng.
Trước khi có nông, lâm trường quốc doanh, họ được khai thác dưới tán rừng, được bảo vệ rừng vì cuộc sống của mình, nhưng hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số thiếu cả đất ở lẫn đất sản xuất, mất sinh kế và thiếu đói thường xuyên.
Trong khi đó, các nông, lâm trường quốc doanh chiếm giữ một diện tích đất quá lớn, đóng cửa rừng, mà rất nhiều trường hợp sử dụng không hiệu quả và sai mục đích. Điều này làm phát sinh tranh chấp nặng nề về đất đai trên diện tích rộng giữa nông, lâm trường với người dân ở địa phương.
Thứ ba: Các quy định của pháp luật về định giá đất:
Giá đất do Nhà nước quyết định thiếu thống nhất và thấp hơn nhiều so với giá đất mà người dân chuyển nhượng trên thị trường. Ngoài sự thiếu thống nhất cho Quy chế thực hiện xác định giá đất bồi thường thì vấn đề này còn chưa rõ ràng, thiếu minh bạch và không khách quan.
Thẩm quyền xác định giá đất hiện giao cho UBND tỉnh là không hợp lý trong khi UBND tỉnh có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất. Quy định hiện hành là nguyên nhân chính làm cho giá đất được quyết định thiếu khách quan và dẫn tới những hệ lụy tương tự như đã nói ở trên.
Thứ tư: Cơ chế Nhà nước thu hồi đất và giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất:
Quá trình thực hiện thu hồi đất vừa qua luôn thiếu minh bạch, người dân luôn bị đặt vào thế bị động, thậm chí là bị ép buộc di dời và mất chỗ ở. Số tiền mà nhiều người được bồi thường thậm chí không đủ để mua một suất ở tái định cư. Họ cũng mất cả sinh kế từ nông nghiệp, mà gần như họ không có hoặc có rất ít cơ hội để tìm được sinh kế mới.
Ông nghĩ sao về ý kiến rất khó tìm được sự đồng thuận giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp; thậm chí càng mở rộng đàm phán tìm sự đồng thuận, sẽ càng phức tạp?
Đúng là không dễ dàng tìm được sự đồng thuận giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp nếu không dựa vào quy định của Luật, như Đại biểu QH Dương Trung Quốc cũng đã phát biểu: "Để đảm bảo cho xã hội phát triển chúng ta phải chuyển đổi dựa trên cơ sở Pháp trị", tuy nhiên Luật cần phải có những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên trong quá trình chuyển dịch đất đai.
Chúng tôi cho rằng, điều này hoàn toàn đồng nghĩa với việc cải thiện các Điều luật liên quan để điều chỉnh cơ chế chia sẻ lợi ích của các bên, sao cho đảm bảo được nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, Nhà đầu tư và Người dân trong quá trình chuyển dịch đất đai.
Sự đồng thuận cần đạt được theo quy định của Luật pháp và không thể tùy tiện. Theo cơ chế này, các bên liên quan phải thực hiện quy hoạch đã được duyệt; Nhà đầu tư không thỏa thuận với từng người đang sử dụng đất mà phải thỏa thuận với cộng đồng những người đang sử dụng đất có sự giám sát của chính quyền.
Các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp thực hiện hỗ trợ cộng đồng và giám sát quá trình thỏa thuận. Khi đạt được đồng thuận của đa số ý kiến trong cộng đồng thì phương án chuyển quyền sử dụng đất đã đạt được thỏa thuận sẽ được áp dụng cho tất cả mọi trường hợp.
Ví dụ, mức đồng thuận cần đạt được trong cộng đồng là 70% như kết quả của quá trình tham vấn mà LANDA đã thực hiện.Như vậy, Điều 64 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chỉnh sửa theo hướng tạo Chính sách "nhà đầu tư thỏa thuận với cộng đồng những người sử dụng đất về phương án chuyển quyền sử dụng đất tự nguyện để thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất dưới sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương.
Các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội thực hiện hỗ trợcộng đồng và giám sát quá trình thỏa thuận.Phương án được thực hiện khi đạt được ý kiến đồng thuận của ít nhất 70% ý kiến của cộng đồng".
Thực tế cho thấy khâu bồi thường là nguyên nhân chính dẫn tới kiện tụng, bức xúc và xung đột. Ông có kiến nghị gì để tháo gỡ?
Chúng ta đều biết những vụ kiện tụng, mất trật tự an ninh xã hội gần đây liên quan chủ yếu đến cơ chế thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp người dân bị thu hồi đất.Có thể thấy rằng chừng nào cơ chế chia sẻ hài hòa lợi ích chưa được bảo hộ từ Luật, đặc biệt là vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được giải quyết thỏa đáng thì khó có thể chắc được rằng tình trạng trên có thể chấm dứt.
Vấn đề liên quan cũng đang là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Đáng chú ý hơn là hiện nay Quốc hội đã và đang đặt vấn đề này vào ưu tiên hàng đầu để thảo luận trọng tâm trong các phiên họp vừa qua.
Việc Quốc hội biểu quyết chưa thông qua Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tại Phiên họp ngày 21/6/2013 vừa qua cũng là để có thêm thời gian xem xét thấu đáo hơn các Điều khoản liên quan cho Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trong thời gian tới.
Chúng ta hy vọng sự đổi mới thật sự trong xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần cải thiện tình hình nói trên.
Theo Hoàng Hương