Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi): Công trình xây dựng bắt buộc mua bảo hiểm?
Tại buổi hội thảo về Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), có nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định bắt buộc các chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình thay vì chỉ dừng lại ở mức khuyến khích.
Chủ trì hội thảo có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban soạn thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Theo Bộ trưởng, Luật Xây dựng 2003 quy định phạm vi việc điều chỉnh đối với các hoạt động xây dựng nhưng toàn bộ nội dung của Luật lại phản ánh quá trình đầu tư xây dựng công trình từ khâu lập quy hoạch xây dựng, chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án và đưa công trình vào khai thác sử dụng. Do đó, giữa phạm vi điều chỉnh và nội dung các quy định của Luật Xây dựng năm 2003 chưa đảm bảo tính thống nhất, vì thế việc xem xét sửa đổi về phạm vi điều chỉnh và các quy định của Luật là cần thiết.
Tại buổi hội thảo, có nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định bắt buộc các chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình thay vì chỉ dừng lại ở mức khuyến khích.
Theo ông Trương Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong dự thảo luật, điều 106 về bảo hiểm chỉ khuyến nghị chủ đầu tư, nhà thầu tham gia. Điều này nên nâng lên thành bắt bắt buộc, vì ở khía cạnh xã hội, sản phẩm đó được an toàn và được bảo hành. Đối với chủ đầu tư, chỉ cần bỏ ra chi phí nhỏ nhưng tài sản của chính mình được bảo vệ.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng việc mua bảo hiểm bắt buộc là hợp lý, tuy nhiên chỉ nên xem xét dừng lại ở một số công trình lớn chứ không nên ở tất cả các công trình. Luật nên có quy định cụ thể về danh mục các công trình bắt buộc chủ đầu tư dự án mua bảo hiểm.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải thích thêm: “Trong luật sửa đổi lần này, một điểm đặc biệt là điều khoản về bảo hiểm công trình, khuyến khích các hình thức bảo hiểm để khi công trình bị hỏng hay cần sửa chữa thì người bảo hiểm sẽ đến và làm việc này”.
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng mua bảo hiểm công trình là rất cần thiết và ở một số nước đã áp dụng bắt buộc. Mua bảo hiểm có nhiều loại, có bảo hiểm do đơn vị thi công xây lắp mua (an toàn trong quá trình thi công), loại bảo hiểm người chủ đầu tư mua cho công trình đó hoặc là mua bảo hiểm được tính vào giá thành xây dựng thì người dân khi sử dụng công trình sẽ có lợi (công trình hỏng thì bảo hiểm sẽ bồi thường)…
“Tất cả những vấn đề liên quan cũng như các ý kiến đóng góp về việc bắt buộc hay không đối với mua bảo hiểm công trình thì cần phải nghiên cứu cụ thể trong điều kiện của Việt Nam. Nhưng chúng ta có điều kiện thì bắt buộc sẽ có lợi hơn cho người sử dụng công trình”, Bộ trưởng kết luận.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trình Đình Dũng cũng cho biết trong luật sửa đổi thì vấn đề cấp phép xây dựng cũng rất quan trọng. Ở đây, cấp phép xây dựng là quản lý quá trình đầu tư xây dựng theo một trình tự, trật tự nhưng không phải vì cấp phép xây dựng mà gây phiền hà, nhiễu sách cho doanh nghiệp và người dân.
Những nội dung mới của Luật Xây dựng sửa đổi
Trong Luật Xây dựng sửa đổi trình Quốc hội thời gian tới, bao gồm những điểm mới sau:
Thứ nhất, đổi mới phương thức quản lý và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.
Cụ thể, Dự thảo Luật đã quy định: Đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật; Dự án sử dụng vốn từ các nguồn khác, cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ thẩm định thiết kế cơ sở đối với công trình có tác động lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng.
Hiện nay, đa số các dự án sử dụng vốn Nhà nước đều lựa chọn áp dụng mô hình tổ chức ban quản lý dự án để trực tiếp quản lý từng dự án đầu tư xây dựng đơn lẻ. Cách làm như vậy dẫn đến tình trạng gia tăng về số lượng ban quản lý dự án nhưng hạn chế về năng lực và tính chuyên nghiệp. Để khắc phục tình trạng nêu trên trong dự thảo Luật đã bổ sung quy định hình thức ban quản lý dự án chuyên nghiệp, Ban quản lý dự án khu vực được áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, các dự án theo chuyên ngành sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt.
Các quy định mới bao gồm: Quy định về quy hoạch vùng, quy hoạch khu chức năng đặc thù; tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch theo xây dựng. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, khép kín giữa các địa phương, dẫn tới các công trình được đầu tư dàn trải, khi xây dựng xong không phát huy được tác dụng hoặc chỉ đạt hệ số huy động công suất thấp.
Thứ ba, tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng tiền kiểm ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư xây dựng.
Thứ tư, đổi mới cơ chế quản lý chi phí nhằm quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, bảo đảm sự bình đẳng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thông qua hợp đồng xây dựng. Khắc phục tình trạng nợ đọng kéo dài, không bình đẳng trong xã hội giữa chủ đầu tư và người làm thuê.
Thứ năm, thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp phép xây dựng, bảo đảm công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp giấy phép. Các đối tượng được miễn giấy phép được mở rộng và minh bạch hơn, thủ tục cấp phép cho các loại và quy mô công trình khác nhau sẽ khác nhau nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà trong việc cấp phép nhưng vẫn đảm bảo quản lý xây dựng tốt hơn, trách nhiệm hơn với nhân dân.
Thứ sáu, xác định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng và phân công, phân cấp cụ thể hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn giữa các Bộ, ngành, địa phương. Trách nhiệm của các chủ thể liên quan tới việc ra quyết định đầu tư cũng được xác định rõ hơn.
Theo Sanh Tín