Ma trận thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư
Việc cải cách hành chính dù đã nói nhiều nhưng làm thì chưa được bao nhiêu, chưa mang tính “đột phá”, nhiều thủ tục còn chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn,…
Đó là những quan điểm của đa số các chuyên gia trong ngành tại hội thảo "Giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư” do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức sáng 20.8.
Tại buổi Hội thảo, nhiều quan điểm, ý kiến đề xuất các giải pháp nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính còn rườm rà trong lĩnh vực đầu tư được đưa ra, tiến tới chuẩn mực hóa quy định đầu tư và sẽ hình thành bộ thủ tục đầu tư thống nhất cả nước.
Nhà đầu tư không có cơ chế gì để bảo vệ mình
Sau 8 năm vận hành, Luật Đầu tư cùng với các văn bản liên quan khác đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhiều quy định còn chồng chéo, văn bản hướng dẫn không đồng bộ,…vì thế đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của dự án đầu tư, rủi ro cho nhà đầu tư.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban phụ trách, Ban Pháp chế - VCCI , khó khăn lớn nhất tập trung ở thủ tục đất đai, mỗi địa phương lại có cách hiểu khác nhau, thời điểm thực hiện khác nhau trong thu hút đầu tư, nhiều hồ sơ chồng chéo nhau…nhà đầu tư như là “quả bóng” bị đá đi đá lại. Điều này gây ra nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư ở các địa phương.
Cũng cùng quan điểm với ông Tuấn, ông Nguyễn Hùng Huế, Phó Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp khẳng định: “thủ tục hành chính còn nhiều hạn chế, chủ yếu nằm ở khâu quy trình, thời gian thực hiện tương đối dài…nguyên nhân là do sự chồng chéo, thiếu minh bạch, mỗi cơ quan soạn thảo đều muốn có lợi cho mình. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của các dự án đầu tư, gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Theo đề xuất của ông Huế, cần đơn giản hóa quy trình thủ tục, loại bỏ quy định một số thủ tục như cấp phép đầu tư, thẩm định quy hoạch, môi trường, các khâu như trích lục, thẩm định, trích đo,…chuẩn hóa thủ tục bằng 3 hình thức đấu giá, đấu thầu và chỉ định thầu.
Đại diện cho Hiệp hội nhà thầu, đồng thời cũng là chủ tịch Công ty GP-Invest ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, các bước thực hiện dự án đầu tư hiện nay chưa sát với thực tế, nhiều thủ tục còn mang tính mệnh lệnh hành chính. Nhà đầu tư gần như không có cơ chế gì để bảo vệ mình nên gặp rất nhiều rủi ro.
Có “đột” nhưng chưa “phá”
Nói đến cải cách thủ tục hành chính, theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ: “việc cải cách thủ tục hành chính mình đã nói nhiều rồi, nhưng làm thì không được mấy, chúng ta cứ nói là mang tính “đột phá”, nhưng tôi nói thật là “đột” thì chúng ta có “đột” rồi nhưng “phá” thì chưa “phá”, hay nói cách khác là “đột” mà không “phá”.
Theo T.S Cung, “đột phá” là phải nhìn thấy sự biến chuyển trông thấy, chẳng hạn như chính sách khoán 10 trước đây là “đột phá”, chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường là “đột phá” hay gần đây là Nghị quyết 11 của Chính phủ là “đột phá”. Bởi những chính sách này đem đến sự thay đổi trông thấy được.
“Dựa vào bộ máy hành chính mà cải cách hành chính thì không thể “đột phá” được. Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính phải có người được, người mất chứ không thể tất cả đều “win -win” T.S Cung nói.
Ma trận
Đánh giá về các thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư hiện nay, nhiều đại biểu cho rằng như một “ma trận”, không biết đâu mà lần. Ông Tuấn thì cho rằng các nhà đầu tư tham gia các thủ tục hành chính như một “quả bóng” chuyền đi chuyền lại.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp thì không kỳ vọng việc cải cách thủ tục có tính “đột phá” mà có chuyển biến là tốt rồi. Hiện nay, thủ tục hành chính ở nước ta đang mắc phải “căn bệnh” đó là ban hành các văn bản dưới Luật một cách tràn lan dẫn đến môi trường đầu tư bị “méo mó”.
“Là người Việt Nam và trực tiếp tham gia đầu tư các dự án BĐS tôi còn thấy mông lung, như một “ma trận”, thì các Nhà đầu tư nước ngoài có lẽ không biết phải làm gì.” Ông Hiệp nói.
Ông Hiệp lấy ví dụ cụ thể về thủ tục để có được “giấy chứng nhận đầu tư” một dự án ít nhất cũng mất hơn 1 năm mới có được, đó là dự án thuận lợi và nhanh mà theo quy định là từ 30-60 ngày. Khi nộp hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư thì cũng phải mất đến 5 văn bản đồng thuận của các cơ quan liên quan gửi tới UBND thì khi đó dự án mới được chấp thuận.
Theo một số diễn giả, để cải cách thủ tục hành chính có tính khả thi cần sớm ban hành Thông tư liên Bộ, khi đó sẽ giảm bớt các thủ tục còn chồng chéo, chưa cần phải sửa Luật nếu để sửa Luật và pháp lệnh sẽ kéo dài thời gian rất lâu. Khi có Thông tư, UBND cấp tỉnh sẽ có những quy định cụ thể cho địa phương.
Phạm An