MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều tuyến đường đội vốn hàng trăm tỉ đồng

26-06-2014 - 07:35 AM |

Các công trình này đều chậm hoàn thành do vướng mặt bằng.

Ngày 25-6, khi từ quốc lộ 1 rẽ vào tỉnh lộ 10B, chúng tôi nhận thấy mặt đường của dự án đang thi công rộng trên 45 m. Tuy nhiên, đi được một đoạn thì mặt đường bị “bóp” nhỏ chỉ còn một nửa do vướng một số nhà dân chưa giải tỏa. “Do vướng sáu hộ dân với chiều dài khoảng 60 m nên tiến độ toàn dự án bị ảnh hưởng” - ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị Số 1 (chủ đầu tư dự án), cho biết.

Dự án trọng điểm… “rùa”

Dự án xây dựng tỉnh lộ 10B dài gần 6 km từ đường Tên Lửa (quận Bình Tân) theo cầu vượt quốc lộ 1 và cắt ngang đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Sau đó, tuyến đường này nhập vào tỉnh lộ 10 tạo thành một trục giao thông quan trọng, kết nối các KCN ở Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) với các KCN Lê Minh Xuân, Tân Tạo và các khu dân cư huyện Bình Chánh, quận Bình Tân (TP.HCM).

Dự án này được khởi công đầu năm 2009 với tổng vốn đầu tư gần 350 tỉ đồng. Theo kế hoạch, đến tháng 3-2010 sẽ hoàn thành dự án nhưng tại buổi kiểm tra thực tế của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP.HCM vào hôm 25-6, tuyến đường vẫn ngổn ngang. Ngoài việc kẹt sáu hộ dân nêu trên, cầu Tân Tạo thuộc dự án đã hoàn tất nhưng chưa có đường dẫn ở phía huyện Bình Chánh do vướng nhà dân chưa giải tỏa.

Dự án mở rộng tỉnh lộ 10 từ cầu Tân Tạo, huyện Bình Chánh đến cầu Xáng, giáp ranh Long An dài hơn 8 km (được khởi công cùng lúc với dự án tỉnh lộ 10B), dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2009. Nhưng cũng với điệp khúc vướng giải tỏa, dự án phải gia hạn hoàn thành nhiều lần. Sở GTVT cho biết đang đẩy nhanh tiến độ để cố gắng đưa vào sử dụng trong năm 2014.

Tương tự, dự án nâng cấp và mở rộng đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình và quận Gò Vấp) dài 5,7 km có kế hoạch hoàn thành vào năm 2007 nhằm tạo trục giao thông kết nối đường Trường Chinh với Quang Trung, giảm áp lực giao thông trên đường Phan Huy Ích, Nguyễn Văn Quá… Tuy nhiên, “dự án phía quận Gò Vấp đã thi công xong, trong khi nhiều nhánh ở quận Tân Bình phải tạm ngừng thi công từ tháng 10-2013 do chờ mặt bằng” - ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT, thông tin.

Lãng phí kép

Tại cửa ngõ đông bắc TP, khu vực từ cổng Khu du lịch Suối Tiên đến cây xăng Bình Thắng (qua quận 9, quận Thủ Đức, TP.HCM và thị xã Dĩ An của Bình Dương) vốn là một điểm nóng về giao thông. Để giải quyết tình trạng kẹt xe tại đây, từ năm 2008 UBND TP đã phê duyệt dự án xây dựng nút giao hoàn chỉnh trước cổng chính ĐH Quốc gia TP.HCM. Dự án gồm nhiều hạng mục như xây tám làn xe chính, xây hai cầu vượt qua làn chính (mỗi cầu bốn làn); hai cầu vượt cho người đi bộ… Dù UBND TP ra “tối hậu thư” yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm mặt bằng nhưng vướng mắc chính của dự án này vẫn là… mặt bằng và thời hạn hoàn thành dự án lại tiếp tục bị thử thách.

Chính việc chậm trễ nêu trên, vốn đầu tư của các dự án đã đội hàng trăm tỉ đồng. Như dự án đường Phạm Văn Bạch từ gần 275 tỉ lên thành 680 tỉ đồng; nút giao ĐH Quốc gia TP.HCM từ hơn 200 tỉ thành 465 tỉ đồng; dự án tỉnh lộ 10B từ gần 350 tỉ thành 550 tỉ đồng... Theo các đại biểu HĐND TP, ngoài tiền bạc, việc kéo dài thời gian hoàn thành các công trình cầu, đường còn tạo ra sự lãng phí khác: Các công trình chậm phát huy hiệu quả, dẫn tới ùn tắc, tai nạn giao thông chậm được kéo giảm.

>>> Bộ trưởng Thăng: “Chúng ta là ngành tiêu nhiều tiền của dân nhất”

 MINH PHONG

ngatt

Pháp Luật TP HCM

Trở lên trên