MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ không bố trí tái định cư quá xa

26-06-2013 - 07:17 AM |

Trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc chưa rõ ràng vẫn được xem xét bồi thường, hỗ trợ.

“Nếu diện tích nhà tái định cư lớn hơn nhà cũ thì người dân không phải bù thêm tiền”. Đó là một trong những nội dung đáng chú ý về chính sách tái định cư (đối với trường hợp đủ điều kiện) trong dự thảo báo cáo triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2012 của HĐND TP về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn TP. Ngày 25-6, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã họp nghe các các sở/ngành, quận/huyện góp ý cho dự thảo này.

Giúp dân ổn định cuộc sống

Theo dự thảo, các hộ dân cư ngụ tại những chung cư sắp sập phải di dời để xây dựng lại sẽ được bố trí lại đúng diện tích đã ở trước đây. Trường hợp diện tích được bố trí lớn hơn diện tích cũ, người dân không phải đóng thêm tiền. Đối với căn hộ tầng trệt, ngoài việc đổi ngang diện tích còn được hỗ trợ bằng tiền về lợi thế thương mại.

Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, góp ý: Quận 1 là nơi có nhiều chung cư cũ nhưng không nên bố trí tái định cư tại các khu vực quá xa như Bình Chánh, quận 12… vì sẽ gây xáo trộn cuộc sống của người dân. Đồng tình, ông Nguyễn Hữu Tín thống nhất: Với những hộ dân trong các chung cư cũ thuộc khu vực trung tâm, TP sẽ bố trí tái định cư vào các chung cư gần đó để họ ổn định cuộc sống. Đối với trường hợp tái định cư tại chỗ, diện tích chỗ ở mới tối thiểu phải bằng diện tích cũ và người dân không phải đóng thêm tiền.

Bồi thường theo hướng có lợi cho dân

Về vấn đề bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, UBND TP cho hay: Do quá trình lịch sử cộng với việc quản lý lỏng lẻo của địa phương, hiện còn nhiều hộ dân không có giấy tờ hợp lệ nên không được cấp giấy chứng nhận. Do đó, khi Nhà nước thu hồi đất, họ chỉ được bồi thường theo pháp lý sử dụng đất mà không được bồi thường theo hiện trạng.

Ngoài ra, TP cũng còn nhiều trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc chưa rõ ràng (chưa kê khai đăng ký theo Chỉ thị 299/1980 của Thủ tướng Chính phủ). Với các trường hợp này, UBND TP yêu cầu: Nếu người dân tiếp tục sử dụng đất cho đến khi Nhà nước thu hồi thì các quận, huyện vẫn xem xét bồi thường, hỗ trợ cho dân, không phải phụ thuộc vào hồ sơ kê khai, đăng ký sử dụng đất theo Chỉ thị 299.

Trường hợp đất do UBND cấp xã, tập đoàn, hợp tác xã đứng ra đăng ký nhưng sau đó người dân tự sử dụng để sản xuất nông nghiệp cũng được xem xét hỗ trợ. Tuy nhiên, mức hỗ trợ cao nhất không quá đơn giá bồi thường, hỗ trợ theo chính sách của dự án. Nếu người dân tự chuyển mục đích sử dụng sang đất ở thì căn cứ vào thời điểm chuyển mục đích để xét hỗ trợ theo loại đất đang sử dụng. Nhưng mức giá hỗ trợ cao nhất không quá đơn giá bồi thường, hỗ trợ đất ở theo phương án được duyệt và phải trừ nghĩa vụ tài chính (vì đất có nguồn gốc do Nhà nước trực tiếp quản lý).

Một thực tế khác khá phổ biến là sự chênh lệch mức bồi thường giữa chính sách mới và cũ. Cụ thể, nhiều dự án có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được xây dựng theo quy định tại Nghị định 84/2007 và Quyết định 17/2008 của UBND TP nhưng khi phê duyệt phương án bồi thường lại đúng thời điểm Nghị định 69/2009 có hiệu lực.

Nếu phải lập lại phương án bồi thường theo nghị định mới thì người dân sẽ bị thiệt (chẳng hạn với trường hợp đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, Nghị định 84 không khống chế diện tích bồi thường trong khi Nghị định 69 chỉ cho phép bồi thường không quá năm lần hạn mức giao đất ở). Với những trường hợp này, TP đồng ý về mặt chủ trương cho phép quận, huyện tính hỗ trợ theo Nghị định 84 để tránh thiệt thòi cho người dân. Tuy nhiên, các quận, huyện vẫn phải lập lại phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng theo Nghị định 69.

Theo Việt Hoa

ngatt

Pháp Luật TPHCM

Trở lên trên