MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng cường kiểm soát hoạt động nhà thầu nước ngoài

25-05-2014 - 07:40 AM |

Đại biểu Quốc hội đề nghị, cần bổ sung các quy định cụ thể về xem xét năng lực nhà thầu và quy định các chế tài đủ mạnh để tăng cường kiểm soát các hoạt động của các nhà thầu.

Sáng 24/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Dự án Luật xây dựng (sửa đổi).
 
Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đặc biệt quan tâm đến quy định liên quan đến điều kiện, năng lực của chủ đầu tư.
 
“Thực tế cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, trong đó có một nguyên nhân được nhận thấy rất rõ, đó là do năng lực và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhất là năng lực của chủ đầu tư ở các đơn vị, địa phương, cơ sở, kết quả của các cuộc giám sát, thanh tra, kiểm toán đều nói đến vấn đề này. Tuy nhiên, những quy định nhằm hạn chế tình trạng nói trên chưa được quy định” - Đại biểu Trần Minh Diệu nhận xét.
 
Theo đại biểu tỉnh Quảng Bình, về cơ bản các tổ chức như Ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tổ chức đầu tư xây dựng, thi công, giám sát, quản lý chi phí đầu tư v.v... đều có quy định về điều kiện năng lực hoạt động tại các điều cụ thể ở Chương III, nhưng riêng chủ đầu tư chỉ có quy định về quyền và nghĩa vụ tại Điều 68, và không có quy định nào về điều kiện, năng lực của chủ đầu tư. Như vậy những hạn chế trong hoạt động xây dựng thuộc về năng lực của chủ đầu tư sẽ khó cải thiện.
 
Ông cũng nhắc lại, vấn đề này đã có một số đại biểu tham gia thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, nhưng chưa được tiếp thu và giải trình. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để ít nhất cũng phải thiết kế một Điều nói về điều kiện năng lực của chủ đầu tư.
 
Về vấn đề điều chỉnh dự án xây dựng, đại biểu tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc quy định điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư với những lý do chưa thực sự cấp thiết như “có thể xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn được quy định trong dự thảo Luật là chưa chặt chẽ, không rõ ràng và trên thực tế đang bị lợi dụng để điều chỉnh nâng quy mô và tổng mức đầu tư một cách tràn lan.
 
“Đây là vấn đề nhạy cảm đang được diễn ra một cách khá phổ biến, khó kiểm soát và là một trong những nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực, kéo dài tiến độ thi công dễ dẫn đến tiêu cực gây thất thoát lãng phí... Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để bỏ hoặc quy định lại một cách hạn chế và nghiêm ngặt hơn đối với trường hợp điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư được quy định tại dự thảo Luật” – đại biểu Trần Minh Diệu nói.
 
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng, để tránh việc điều chỉnh dự án dẫn đến tổng mức đầu tư xây dựng tăng cao, thậm chí rất cao so với tổng dự toán được phê duyệt, đồng thời để tránh thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước và các nguồn lực đầu tư khác của xã hội, dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi) lần này phải quy định rõ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư được phép là bao nhiêu.
 
“Tôi đề nghị nên quy định được phép điều chỉnh tối đa không quá 1,5 lần so với tổng mức đầu tư của dự án được duyệt, nhằm quản lý đầu tư xây dựng được minh bạch và hiệu quả hơn.” – đại biểu tỉnh Hậu Giang để nghị.

Về thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng ở Điều 146, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đề nghị nên quy định mức sàn và mức trần tại Khoản 1 trong phạt hợp đồng xây dựng để đảm bảo tính khả thi của luật, tránh trường hợp phạt mang tính hình thức, vận dụng không thống nhất trong thực tiễn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phân tích rằng, thông thường trong hợp đồng chỉ có điều khoản phạt bồi thường, không có điều khoản thưởng bởi nếu làm chất lượng kém, tiến độ chậm thì bị phạt bồi thường, không có lý do gì bên nhận thầu lại muốn bỏ thêm chi phí để làm tốt hơn tiêu chuẩn đã ký kết để được thưởng.
 
“Nếu bên giao thầu muốn chất lượng tốt hơn thì họ sẽ ký bổ sung. Còn về tiến độ, nếu thuận lợi công trình hoàn thành sớm hơn thì cả hai bên đều có lợi, không cần phải thưởng. Nếu bên giao thầu muốn tiến độ nhanh hơn thì phải ký bổ sung để bên nhận thầu có thêm kinh phí, tăng nhân lực, máy móc thiết bị phục vụ công trình. Không có điều khoản thưởng sẽ tránh được trường hợp cố tình ký thời hạn hoàn thành công trình dài ra để dễ dàng vượt tiến độ. Hay do chạy theo tiến độ gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình.” – đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phân tích.
 
Nhất trí cao với việc bổ sung quy định tăng cường công tác tiền kiểm của các cơ quan chuyên môn của nhà nước, từ thiết kế cơ sở đến thiết kế kỹ thuật, từ dự toán cho đến nghiệm thu xây dựng của các công trình xây dựng sử dụng vốn của nhà nước, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị phải bổ sung một khoản quy định trách nhiệm của cơ quan và của cá nhân cán bộ công chức nhà nước thực hiện nhiệm vụ tiền kiểm và chế tài xử lý nếu không hoàn thành nhiệm vụ này.
 
Về quản lý nhà thầu nước ngoài, trước tình hình nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam tương đối nhiều, trong đó nhiều nhà thầu hiện nay không có năng lực thực hiện, không đảm bảo chất lượng kéo dài thời gian, không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng, việc quản lý này rất cần thiết, nhằm đảm bảo chủ quyền của một quốc gia phù hợp với thông lệ quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã ký.
 
Theo đại biểu tỉnh Tây Ninh, thực tế hiện nay tình trạng các nhà thầu thiết kế hay quy hoạch sau khi được chọn hoặc trúng thầu hay qua thi tuyển đã thuê lại các nhà thầu thiết kế trong nước với giá rất rẻ so với giá được giao, nhưng sản phẩm lại là sản phẩm của người trong nước, nhưng giá thành là giá thành trả cho nước ngoài. Do đó, cần quy định rõ hơn về vấn đề này tại Khoản 1, Điều 48.
 
Cũng góp ý về điều khoản liên quan đến nhà thầu nước ngoài, đại biểu Lê Quang Hiệp (Thanh Hoá) cho biết, trong thời gian qua rất nhiều nhà thầu nước ngoài tự do vào Việt Nam hoạt động xây dựng và tư vấn xây dựng, rất lộn xộn, nhà nước không quản lý được. Một số nhà thầu nước ngoài thực hiện các công trình không đảm bảo chất lượng, kéo dài thời gian, không chấp hành quy định của pháp luật trong việc đưa người và máy móc thiết bị thi công vào, đăng ký quản lý của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo.

Do vậy, đại biểu tỉnh Thanh Hóa hoàn toàn nhất trí với việc phải quy định về cấp phép đối với nhà thầu nước ngoài vào hoạt động xây dựng, tư vấn xây dựng tại Việt Nam và đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về xem xét năng lực nhà thầu và quy định các chế tài đủ mạnh để tăng cường kiểm soát các hoạt động của các nhà thầu, kể cả các chủ đầu tư có các nhà thầu nước ngoài thực hiện.
 
Tham gia phát biểu tại Nghị trường, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) không góp ý vào nội dung nào cụ thể, nhưng theo đại biểu, dự án luật còn rất nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau, rất cần thiết phải xem xét thấu đáo. Tuy nhiên, theo chương trình thì ngày 18 tháng 6 tới đây Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua. Vì vậy, đại biểu đề nghị những vấn đề còn ý kiến khác nhau đó phải xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi bấm nút thông qua.
 
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh)  cũng cho rằng, trước những dự án luật có vấn đề chưa thống nhất cao thì Ủy ban thường vụ Quốc hội nên cho tổ chức các cuộc họp với các cơ quan có liên quan để giải quyết và mời các đại biểu Quốc hội có chuyên môn sâu về những lĩnh vực này tham gia ý kiến.
 
“Chúng ta có thể làm ngày, làm đêm để thống nhất việc này.” – đại biểu tỉnh Hà Tĩnh quả quyết.

Theo Tuệ Khanh

ngatt

VnMedia

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên