MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính sách thương mại đầy rủi ro của tổng thống đắc cử Donald Trump

17-01-2017 - 10:31 AM | Tài chính quốc tế

Nếu tổng thống đắc cử Donald Trump thực sự nhắm tới một chính sách ngoại giao cứng rắn hơn, giới phân tích cho rằng ông có thể sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Với tổng thống đắc cử Donald Trump, đảo ngược toàn cầu hoá có vẻ khá dễ dàng. Vài tuần trước khi ông Trump chính thức nhậm chức, rất nhiều tập đoàn đã và đang “ăn năn” xếp hàng nhằm được đầu tư vào Mỹ.

Ford đã huỷ bỏ dự án xây dựng nhà máy sản xuất ô tô cỡ nhỏ mới trị giá 1,6 tỉ USD tại Mexico, và cam kết sẽ tạo thêm 700 công việc mới trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện và ô tô hybrid (dòng ô tô chạy bằng điện và nhiên liệu xăng) tại Flat Rock, Michigan. Đồng thời, tập đoàn này cũng tán dương động thái củng cố môi trường kinh doanh tại Mỹ của ông Trump. Nhiều nhà sản xuất khác, ví dụ như Carrier, cũng điều chỉnh lại kế hoạch của mình.

Ông Trump luôn khẳng định rằng toàn cầu hoá ảnh hưởng tiêu cực tới nước Mỹ. Ông luôn mong muốn áp dụng mức thuế quan tối thiểu 5% với mọi loại mặt hàng nhập khẩu. Nhằm thực hiện điều này, ông Trump đã tập hợp các cố vấn có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp thép – một ngành công nghiệp có “bề dày lịch sử” tranh chấp thương mại đáng kể.

Cụ thể, nhóm cố vấn gồm ông Robert Lighthizer, một nhà thương thuyết thương mại do ông Trump đề cử, là một luật sư biện hộ cho các nhà sản xuất thép xứ cờ hoa trong các cuộc tranh chấp quốc tế. Ông Wilbur Ross, bộ trưởng thương mại tương lai, đã từng mua các nhà máy thép làm ăn thua lỗ của Mỹ ngay trước khi tổng thống George W. Bush tăng thuế quan với thép nhập khẩu.

Cố vấn Daniel DiMicco từng điều hành công ty thép lớn nhất nước Mỹ, Nucor. Nhà kinh tế học Peter Navarro, tác giả của những cuốn sách chỉ trích Trung Quốc, hiện là cố vấn thương mại. Với ông, sự xuống dốc của ngành công nghiệp thép tại Mỹ chính là bằng chứng cho thấy những tổn thất của nước Mỹ do cuộc cạnh tranh không công bằng từ Trung Quốc gây ra.

Tuy nhiên, ngành thép rõ ràng không thể là hình mẫu cho một chính sách thương mại chung. Có lẽ, động thái này của ông Trump chỉ đơn giản là thu hút sự chú ý của truyền thông. Dù vậy, nếu ông Trump thực sự nghiêm túc, kế hoạch của ông có lẽ sẽ là một thất bại đắt giá.

Một nguyên nhân là bởi trong tuần này, ông Paul Ryan, Phát ngôn viên của Hạ Viện, cho biết Quốc Hội nước Mỹ sẽ không tăng thuế quan. Các mệnh lệnh điều hành không phải công cụ chính trị thích hợp và có thể đem đến thất bại cho ông Trump.

Một nguyên nhân khác là bởi kế hoạch của Ford không đơn giản như bề ngoài. Ford vẫn sẽ tiến hành sản xuất dòng ô tô cõ nhỏ tại Mexico, nhưng là tại một nhà máy sẵn có thay vì một nhà máy mới.

Quan trọng hơn cả, có vẻ như ông Trump chưa đánh giá đúng mức độ phức tạp khi điều chỉnh thuế quan.

Các nhà sản xuất thép không sai khi phàn nàn về Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đúng là đã hỗ trợ cho các nhà sản xuất thép nước này, dẫn đến tình trạng thừa cung trên thị trường thế giới. Giống như Liên Minh Châu Âu, chính phủ Mỹ đã và đang liên tiếp áp dụng thuế quan nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước (ví dụ trong năm 2016, chính quyền ông Obama đã áp dụng mức thuế quan 522% đối với thép cán nguội của Trung Quốc).

Tuy nhiên, lối tư duy này lại “bó tay” trước câu hỏi: liệu nguồn cung thép giá rẻ dồi dào từ nước ngoài có thực sự tồi tệ như vậy? Rõ ràng, các công ty Mỹ có nhu cầu sử dụng thép được hưởng lợi từ thép giá rẻ; họ thu được lợi nhuận lớn hơn, và do đó, tuyển dụng thêm nhiều người lao động.

Hơn thế nữa, mua bán hầu hết các loại hàng hoá và dịch vụ khác không giống như mua bán thép. Mặt hàng Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc là các loại máy móc thiết bị điện tử. Chính phủ Trung Quốc không hỗ trợ tình trạng sản xuất dư thừa iPhone cho thị trường và khiến chi phí sản xuất iPhone giảm mạnh, kết quả là nhiều nhà sản xuất iPhone tại Mỹ phải ngừng hoạt động.

Thay vào đó, một chiếc điện thoại thông minh có thể được thiết kế tại California và lắp ráp tại Trung Quốc, sử dụng các bộ phận do các nước châu Á và châu Âu thiết kế và sản xuất và kim loại từ châu Phi. Như vậy, cứ mỗi USD Mexico thu được nhờ xuất khẩu sẽ bao gồm 40 cent cho các sản phẩm từ Mỹ. Với các nhà sản xuất những sản phẩm này, thuế quan sẽ là một tai hoạ lớn.

Quỳnh Mai

Economist

Trở lên trên