MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính sách tiền lương, bảo hiểm, thương mại có hiệu lực từ tháng 11/2016

27-10-2016 - 09:39 AM | Xã hội

Những chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm, thương mại bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ tháng 11/2016.

Trách nhiệm chi trả chi phí của bên nhờ mang thai hộ

Từ ngày 01/11/2016, Thông tư 32/2016/TT-BYT quy định về việc chi trả chi phí thực tế để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ sinh sản của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, trách nhiệm của bên nhờ mang thai hộ trong việc chi trả sẽ phát sinh trong các trường hợp sau:

- Giai đoạn chuẩn bị mang thai;Quá trình áp dụng kỹ thuật chuyển phôi cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;Kỹ thuật thăm khám, sàng lọc, điều trị và xử trí các bất thường, dị tật của bào thai (nếu có) và theo dõi, chăm sóc thai nhi.

- Quá trình sinh đẻ và chăm sóc trong vòng 42 ngày sau sinh cho người mang thai hộ hoặc cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ;Khám sức khỏe tổng quát cho người mang thai hộ sau khi sinh.

- Khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe trong trường hợp người mang thai hộ có biến chứng sau sinh liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Định mức tiêu hao năng lượng ngành sản xuất bia

Từ ngày 01/11/2016, Thông tư 19/2016/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia bắt đầu có hiệu lực. Theo đó:

- Đối với cơ sở có quy mô công suất trên 100 triệu lít thì định mức tiêu hao đến năm 2020 là 140 MJ/hl, từ năm 2021 đến hết năm 2025 là 129 MJ/hl.

- Đối với cơ sở có quy mô công suất 20 – 100 triệu lít thì định mức tiêu hao đến năm 2020 là 215 MJ/hl, từ năm 2021 đến hết năm 2025 là 196 MJ/hl.

- Đối với cơ sở có quy mô công suất dưới 20 triệu lít thì định mức tiêu hao đến năm 2020 là 306 MJ/hl, từ năm 2021 đến hết năm 2025 là là 286 MJ/hl.

Suất tiêu hao năng lượng của cơ sở sản xuất ngành công nghiệp bia đến hết năm 2025 không được vượt quá định mức trên.Nếu cao hơn thì cơ sở phải lập và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Áp dụng C/O điện tử theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN

Thông tư 22/2016/TT-BCT về việc thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/11/2016. Theo đó:

C/O điện tử được xây dựng theo “Hướng dẫn Thực hiện thông điệp và Đặc tả xử lý C/O mẫu D ATIGA điện tử” và được truyền theo phương thức điện tử giữa các Nước thành viên thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.

- C/O điện tử có hiệu lực pháp lý tương đương C/O giấy; có thể được nộp, được cấp và được chấp nhận thay thế C/O giấy.

- Về kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O điện tử: tiến hành kiểm tra tương tự như C/O giấy; được chấp nhận, được xác minh là được khai đầy đủ và xác thực theo hình thức điện tử.

- Về lưu trữ, duy trì dữ liệu hồ sơ C/O: các bên liên quan (Người sản xuất và/hoặc xuất khẩu; Tổ chức cấp C/O) phải lưu trữ chứng từ/hồ sơ đề nghị cấp C/O trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp/ ngày cấp.

Thông tư này bãi bỏ Thông tư 21/2010/TT-BCT và Thông tư 42/2014/TT-BCT .

Bổ sung mức phụ cấp đối với số chức danh tư pháp và thanh tra trong quân đội

Quyết định 42/2016/QĐ-TTg bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/11/2016 bổ sung mức phụ cấp đặc thù đối với một số đối tượng như sau:

- Mức 15% đối với Chấp hành viên thuộc cơ quan Thi hành án Bộ Tổng Tham mưu.

- Mức 10% đối với Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án thuộc cơ quan Thi hành án quân khu, quân chủng Hải quân, Bộ Tổng Tham mưu.

Bộ Công Thương chính thức bãi bỏ Thông tư 37

Ngày 12/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Thông tư số 23/2016/TT-BCT bãi bỏ Thông tư số 37/2015/TT-BCT ngày 30/10/2015 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.

Theo thông tư 37, những sản phẩm dệt may không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư này gồm sợi, vải mộc chưa qua xử lý hoàn tất, hàng miễn trừ ngoại giao, hàng trong túi lãnh sự, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Quyết định số 31/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương chỉ định và ủy quyền tham gia hoạt động kiểm tra nhà nước với hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.

Thông tư 23 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2016.

Hồng Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên