MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính sách tiền lương, nhân sự quan trọng có hiệu lực từ tháng 3

Chính sách tiền lương, nhân sự quan trọng có hiệu lực từ tháng 3

Tiền lương công chức, viên chức; quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản; danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành ngân hàng; bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự hội đồng quản lý... là những quy định mới có hiệu lực từ tháng 3/2023.

Chính sách tiền lương công chức, viên chức

Nhiều chính sách về tiền lương và việc làm dành cho công chức, viên chức chính thức có hiệu lực từ tháng 3 năm nay.

Cụ thể, những chức danh nghề nghiệp công chức, viên chức và quy định về xếp lương các chức danh nghề nghiệp sau đây bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2023: Viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường sắt; viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường bộ; viên chức chuyên ngành đăng kiểm; viên chức chuyên ngành quản lý dự án hàng hải; viên chức chuyên ngành cảng vụ hàng hải;

Viên chức chuyên ngành kỹ thuật đường bộ, kỹ thuật bến phà; viên chức cảng vụ hàng không; viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường thủy; viên chức chuyên ngành cảng vụ đường thủy nội địa; viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải, thông tin an ninh hàng hải... cũng được quy định rõ tại các thông tư có hiệu lực từ 1/3/2023 (Xem chi tiết tại đây).

Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành ngân hàng

Thông tư 19/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ 1/3/2023 hướng dẫn chi tiết vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Ngân hàng trong cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành, lĩnh vực ngân hàng.

Theo đó, danh mục các vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành ngân hàng cụ thể như sau:

- Vị trí việc làm về hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, ngân hàng;

- Vị trí việc làm về quản lý hoạt động công nghệ ngân hàng;

- Vị trí việc làm về nghiệp vụ ngân hàng Trung ương;

- Vị trí việc làm về thanh tra, giám sát ngân hàng;

- Vị trí việc làm về kiểm soát ngân hàng;

- Vị trí việc làm về phòng, chống rửa tiền;

- Vị trí việc làm về tiền tệ, ngân hàng quốc tế;

- Vị trí việc làm về quản lý tổ chức tín dụng.

Chính sách tiền lương, nhân sự quan trọng có hiệu lực từ tháng 3 - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước đã ban Thông tư 19 hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành ngân hàng.

Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản

Thông tư số 37 của Bộ Công Thương quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ 1/3/2023.

Theo đó, hàng hóa được coi là có xuất xứ của một nước thành viên nếu hàng hóa đó: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó; đáp ứng các quy định trong trường hợp sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ; được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên.

Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan khi đáp ứng các quy định và được vận chuyển trực tiếp từ nước thành viên xuất khẩu tới nước thành viên nhập khẩu.

Trình tự thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Trình tự thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng quy định tại Thông tư 53/2018/TT-NHNN được sửa đổi tại Thông tư 27/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu tháng 3 năm nay.

Cụ thể, TCTD phi ngân hàng lập 1 bộ hồ sơ gửi NHNN chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, NHNN chi nhánh có văn bản yêu cầu TCTD phi ngân hàng bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, NHNN chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh có văn bản gửi TCTD phi ngân hàng chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh; trường hợp không chấp thuận, văn bản gửi TCTD phi ngân hàng phải nêu rõ lý do.

Quy định mới về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Về tiếp nhận tiền mặt: Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung...

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023.

Quy định mới về bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự hội đồng quản lý

Thông tư 11 của Bộ Tài chính hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính có hiệu lực từ 31/3/2023.

Theo đó, số lượng thành viên Hội đồng quản lý từ 5 đến 11 người, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý.

Hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 5 năm.

Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản lý bị miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau: Có đề nghị bằng văn bản xin thôi không tham gia thành viên Hội đồng quản lý; bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; sức khỏe không đủ khả năng đảm nhiệm công việc được giao…

Theo Hải Bình

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên