Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp dòng tiền chảy vào chứng khoán, VN-Index có thể lên 1.400 điểm trong năm 2024?
Với dư địa về chính sách tiền tệ nới lỏng và giá rẻ để hỗ trợ nền kinh tế, chuyên gia FIDT cho rằng chứng khoán sẽ là kênh đầu tư hưởng lợi trực tiếp.
Chứng khoán hưởng lợi từ chính sách nới lỏng trong năm 2024
Tại toạ đàm đầu tư "2024 – Đi lên từ chân sóng" do FiinTrade phối hợp với FIDT tổ chức, ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT FIDT cho rằng kinh tế Mỹ năm 2024 được dự báo tăng trưởng chậm lại dưới mức tiềm năng nhưng không diễn ra suy thoái hay dự phóng hạ cánh mềm.
Fed cũng vừa có thông điệp sẽ giảm từ 3-4 lần giảm lãi suất 2024, tạo dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam. "Lúc đầu chúng tôi dự tính chỉ khoảng 2 quý trong năm 2024, nhưng giờ tự tin môi trường nới lỏng tiền tệ và chính sách sẽ duy trì cả năm 2024 để hỗ trợ cho nền kinh tế", chuyên gia FIDT nhận định.
Với dư địa về chính sách tiền tệ nới lỏng và giá rẻ để hỗ trợ nền kinh tế, ông Tuấn cho rằng chứng khoán sẽ là kênh đầu tư hưởng lợi trực tiếp.
Đặc biệt, "tin vui" mà vị chuyên gia nhấn mạnh là NHNN có thể gia tăng mua ròng ngoại tệ dựa trên dòng tiền USD, xuất khẩu thặng dư, gia tăng FDI,.... Câu chuyện hoán đối này có thể tác động tích cực hơn động thái bơm tiền bởi tính lan toả sâu rộng hơn.
Bình luận thêm, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích đầu tư FIDT cho rằng thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ đi sát với bối cảnh vĩ mô.
Trên thị trường quốc tế, tăng trưởng toàn cầu có thể tương đương năm 2023 trong kịch bản Mỹ sẽ hạ cánh mềm. Mức tăng trưởng toàn cầu năm sau được IMF dự báo là tăng trưởng 2,9% - không chênh lệch nhiều so với năm 2023.
Về chính sách tiền tệ, Fed đã đạt đỉnh lãi suất nên xác suất cao là Fed sẽ hạ lãi suất từ giữa năm 2024, kéo theo hành động tương tự ở các ngân hàng trung ương các nước phát triển. Câu chuyện lạm phát không còn là yếu tố quan trọng cho năm sau khi lạm phát được dự báo hạ nhiệt và không còn là mối bận tâm của các ngân hàng trung ương.
Dù vậy, tình hình địa chính trị là rủi ro bất chợt trong năm 2024 và nhà đầu tư cần phải thận trọng với yếu tố này.
Về bối cảnh trong nước, lợi nhuận thị trường năm sau kỳ vọng tăng trưởng tốt. Nếu so sánh với các thị trường mới nổi hay thị trường cận biên, thì câu chuyện VN-Index năm sau sẽ tăng trưởng rất tốt. Ngoài ra, nền lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp và chính sách tiền tệ sẽ là nhân tố tích cực hỗ trợ chính của thị trường.
Định giá P/E thị trường hiện tại đang được đánh giá rất rẻ, nhưng khi phân tách ngành, ông Phương cho biết sẽ có những nhóm khá cao như nhóm phi tài chính, còn rủi ro của nhóm ngân hàng và bất động sản đã phản ánh vào định giá và kỳ vọng cho sự phục hồi khi rủi ro giảm dần, riêng thị trường bất động sản dù tiếp tục hồi phục trong năm 2024 nhưng rủi ro vẫn hiện hữu.
Dù giai đoạn khó khăn nhất của trái phiếu doanh nghiệp đã qua đi, nhưng lượng trái phiếu đáo hạn còn lớn và vẫn là dấu hỏi của thị trường, nên đây là rủi ro nhà đầu tư nhất định cần lưu ý….
Ba kịch bản cho VN-Index trong năm 2024
Với nhận định trên, chuyên gia FIDT đưa ra 3 kịch bản chỉ số VN-Index 2024:
Thứ nhất, kịch bản cơ sở với VN-Index đạt 1.300 điểm, biên độ dao động là +/- 20 điểm với các điều kiện tiền đề như: Kinh tế Việt Nam hồi phục tốt 2024; Kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm"; Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và thị trường bất động sản (BĐS) ở mức hạn chế; Dòng vốn ngoại trở lại từ cuối Quý II/2024.
Thứ hai, kịch bản tích cực với VN-Index đạt 1.420 điểm, biên độ dao động là +/- 30 điểm với các điều kiện tiền đề như: Kinh tế Việt Nam hồi phục tốt và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ; Kinh tế Mỹ tăng trưởng gần mức tiềm năng dài hạn; Chính phủ và NHNN xử lý vấn đề pháp lý thị trường BĐS và chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng tốt lên; Dòng vốn ngoại trở lại mạnh mẽ cho triển vọng nâng hạng.
Thứ ba, kịch bản tiêu cực với VN-Index đạt 1.150 điểm, biên độ dao động là +/- 20 điểm với các điều kiện tiền đề như: Kinh tế Việt Nam hồi phục nhưng còn "bấp bênh"; Kinh tế Mỹ xảy ra mild recession (suy thoái nhẹ); Pháp lý BĐS và rủi ro TPDN, chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng chưa nhiều cải thiện; Dòng vốn ngoại vẫn tập trung ở thị trường phát triển (Developed Market - DM).
Ông Phương nêu quan điểm của FIDT là có tới 65% xác suất sẽ rơi vào kịch bản thứ nhất; xác suất của kịch bản thứ 2 là 20% và cuối cùng là 15% sẽ có khả năng rơi vào tiêu cực.