MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính tay ông Trump đang phá hủy "ngôi vua" của đồng USD?

25-01-2020 - 08:40 AM | Tài chính quốc tế

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã nâng việc vũ khí hóa sức mạnh tài chính của Mỹ lên 1 tầm cao mới.

Kể từ những năm 1950, khi đồng USD khẳng định vững chắc vai trò đồng tiền số 1 thế giới, có 1 điều mà ai cũng nhận thấy: vị thế là siêu cường tài chính duy nhất trên thế giới của Mỹ giúp nước này có được sức ảnh hưởng rất lớn lên các nền kinh tế khác. Nhưng chỉ đến thời Tổng thống Donald Trump, thứ quyền lực đó mới được sử dụng một cách triệt để và thường xuyên, gây nên không ít cú sốc. Nhưng cũng chính tình hình này đang hối thúc các quốc gia khác tìm cách phá vỡ thế độc tôn của nước Mỹ cũng như đồng USD trong hệ thống tài chính quốc tế.

Năm 2018, Bộ Tài chính Mỹ đã dùng luật pháp để ngăn cản Rusal – một công ty nhôm có tầm quan trọng về chiến lược của nước Nga – tự do tiếp cận hệ thống tài chính dựa trên đồng USD. Động thái này có tác động rất lớn: chỉ sau 1 đêm, Rusal không thể kinh doanh với rất nhiều đối tác vì không thể sử dụng USD. Những trung tâm thanh toàn bù trừ của phương Tây từ chối xử lý các chứng khoán nợ của hãng. Giá trái phiếu do Rusal phát hành lao dốc mạnh.

Hiện Mỹ đang có hơn 30 chương trình trừng phạt về tài chính và thương mại có hiệu lực. Hôm 10/1 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ thông báo các biện pháp mà bộ trưởng Steven Mnuchin cho là sẽ "cắt đứt hàng tỷ USD hỗ trợ cho Iran". Đồng thời Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Iraq có thể mất quyền truy cập tài khoản của chính phủ nước này tại Fed New York. Nếu điều đó xảy ra, Iraq sẽ bị hạn chế đáng kể quyền sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ, thậm chí có thể dẫn đến khan hiếm tiền mặt và nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.

Mỹ ở một vị trí rất thuận lợi để có thể sử dụng vũ khí tài chính để phục vụ chính sách đối ngoại. Đồng USD được sử dụng làm phương tiện thanh toán cũng như nơi cất giữ giá trị trên toàn cầu. Ít nhất một nửa các hóa đơn giao dịch thương mại xuyên biên giới lấy USD làm đồng tiền thanh toán, và tổng giá trị của chúng lớn gấp 5 lần tỷ trọng của Mỹ trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của toàn thế giới, gấp 3 lần đối với kim ngạch xuất khẩu. USD cũng là đồng tiền được các NHTW và thị trường vốn trên toàn cầu ưa chuộng, chiếm gần 2/3 tổng lượng dự trữ ngoại hối và khối lượng chứng khoán phát hành.

Thị trường tài chính quốc tế cũng vận hành theo nhịp điệu của hệ thống tài chính Mỹ: khi các bước diều chỉnh lãi suất hoặc khẩu vị rủi ro trên phố Wall thay đổi, thị trường toàn cầu ngay lập tức phản ứng. Hầu hết các giao dịch quốc tế được thanh toán bằng USD, chảy qua New York, bởi các ngân hàng bù trừ của nước Mỹ. Mạng lưới nhắn tin giữa các ngân hàng trên toàn thế giới – SWIFT, nơi mà các thành viên trao đổi với nhau 30 triệu lần mỗi ngày – được Mỹ kiểm soát chặt chẽ.

Nước Mỹ sử dụng những hệ thống này để kiểm soát hệ thống tài chính toàn cầu. Bị từ chối truy cập vào các cơ sở hạ tầng này, 1 tổ chức sẽ ngay lập tức bị cô lập và thường là sẽ kiệt quệ về tài chính. Các cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới chịu sự điều hành của luật Mỹ.

Mỹ bắt đầu củng cố sức mạnh tài chính sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Các ngân hàng nước ngoài tham gia hoạt động rửa tiền và giao dịch với những bên bị Mỹ trừng phạt sẽ bị phạt rất nặng. Năm 2014, án phạt 9 tỷ USD dành cho Paribas đã làm rúng động nước Pháp.

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã nâng việc vũ khí hóa sức mạnh tài chính của Mỹ lên 1 tầm cao mới. Ông sử dụng lệnh cấm vận để trừng phạt Iran, Triều Tiên, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ (trong thời gian ngắn), Venezuela và một số nước khác. Không chỉ vậy, "nòng pháo" của ông còn bao gồm thuế quan và lệnh cấm vận nhằm vào các công ty mà mới nhất là tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Ông còn sử dụng các lệnh trừng phạt "thứ cấp" để nhằm vào các công ty giao dịch với những thực thể bị trừng phạt. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2018, các công ty châu Âu ồ ạt rời Iran bất chấp EU khuyến khích họ ở lại. SWIFT cũng từng bị đưa vào tầm ngắm, khi Mỹ dọa sẽ hành động nếu như tổ chức này không cắt đứt giao dịch với các ngân hàng Iran.

Sử dụng đồng USD để mở rộng tầm ảnh hưởng của luật Mỹ phù hợp với khẩu hiệu "nước Mỹ trước tiên" của ông Trump. Nhưng các nước khác nhìn nhận đó là lạm dụng quyền lực. Không chỉ bị các đối thủ như Trung Quốc và Nga chỉ trích, kể cả những đồng minh như Pháp và Anh cũng đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ ông Trump đang làm xói mòn vai trò là người bảo vệ trật tự thương mại toàn cầu của nước Mỹ. Cuối cùng thì Mỹ có thể mất đi vị trí độc tôn nếu như các nước khác hiệp lực cố gắng phá bỏ trật tự hiện tại vì không hài lòng với Mỹ.

Thời đại mới của hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ xuất hiện những yếu tố mới: xu hướng dỡ bỏ tình trạng đôla hóa các loại tài sản, hoạt động thương mại dựa trên các đồng nội tệ và các hợp đồng hoán đổi thay vì đồng USD như trước, cơ chế thanh toán liên ngân hàng hoàn toàn mới và các đồng tiền kỹ thuật số. Tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc cho biết 2 nước sẽ mở rộng các giao dịch thương mại song phương sử dụng rúp Nga và nhân dân tệ. Bên lề 1 hội nghị gần đây, các nhà lãnh đạo từ Iran, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã đề xuất sử dụng tiền số, các đồng tiền quốc gia, vàng và thậm chí là phương thức hàng đổi hàng trong giao dịch thương mại.

Nga hiện là nước đi xa nhất trong việc rời xa hệ thống tài chính thống trị bởi Mỹ. Nga đã lập ra nhiều thực thể để giao thương với các nước mà Mỹ liệt vào danh sách đen, nhằm tránh việc đặt các ngân hàng và doanh nghiệp quan trọng vào thế rủi ro. Ví dụ, Promsvyazbank pjsc là công ty được chính phủ hậu thuận chuyên thực hiện các giao dịch mua bán vũ khí, được lập ra để bảo vệ những ngân hàng lớn hơn như Sberbank và VTB khỏi nguy cơ bị trừng phạt.

Nga cũng đang bận rộn dỡ bỏ tình trạng đôla hóa trong hệ thống tài chính quốc gia. Từ năm 2013, NHTW Nga đã giảm dần tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại hối, từ mức hơn 40% hiện chỉ còn 24%. Kể từ năm 2018, lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà Nga nắm giữ cũng giảm mạnh từ gần 100 tỷ USD xuống dưới 10 tỷ USD. Mới đây Bộ Tài chính Nga vừa thông báo kế hoạch giảm tỷ trọng đồng USD trong quỹ tài sản quốc gia. "Không phải chúng tôi bỏ rơi đồng USD mà USD đã bỏ rơi chúng tôi", ông Putin phát biểu mới đây.

Elvira Nabiullina, Thống đốc NHTW Nga, cho biết một phần nguyên nhân khiến Nga phải làm như vậy là do các lệnh cấm vận của Mỹ (vốn được áp đặt sau vụ Crimea tách khỏi Ukraine năm 2014), nhưng ngoài ra cũng bởi Nga muốn đa dạng hóa rủi ro tiền tệ. Bà cho rằng thế giới đang có xu hướng dịch chuyển đến hệ thống đa tiền tệ thay thế cho hệ thống xoay quanh đồng USD như hiện nay.

Các khoản nợ mới của Nga thường được phát hành bằng đồng rúp hoặc euro, và Chính phủ nước này cũng đang thăm dò phát hành trái phiếu định danh bằng đồng nhân dân tệ. Các công ty của Nga đã giảm khối lượng nợ nước ngoài khoảng 260 tỷ USD kể từ 2014 đến nay, trong đó 200 tỷ USD là nợ bằng USD. Tuy nhiên, ngược lại, các công ty và hộ gia đình ở Nga vẫn ưa chuộng USD khi muốn nắm giữ tài sản quốc tế: con số họ nắm giữ đã tăng thêm 80 tỷ USD so với 2014.

Các giao dịch giữa Nga và Ấn Độ - thường là lĩnh vực quốc phòng nhạy cảm với cấm vận – đã chuyển từ hầu hết bằng USD sang rúp từ năm 2013 đến nay. Một trong những lý do là thanh toán bằng USD có thể bị chậm vài tuần vì phải qua khâu kiểm tra có vi phạm lệnh trừng phạt hay không.

Và nhắc đến cuộc đua gạt bỏ USD khỏi vị trí độc tôn không thể không kể đến Trung Quốc.


Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên