[CHÍNH THỨC] 9 nhóm đối tượng ưu tiên và miễn phí tiêm vaccine COVID-19
Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 nêu rõ 9 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí.
(Đồ họa: TTXVN)
Nghị quyết cũng nêu rõ địa bàn ưu tiên tiêm và miễn phí cho 9 nhóm đối tượng nói trên, gồm:
(Đồ họa: TTXVN)
Về việc mua vaccine COVID-19: Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên với số lượng khoảng 150 triệu liều. Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, quyết định số lượng vaccine cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn.
Cơ chế mua vaccine thực hiện mua sắm trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu năm 2013.
Vaccine COVIVAC không quá 60.000 đồng/liều, ngày 3/3 sẽ tiêm thử nghiệm
Theo thông tin từ Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế IVAC (Bộ Y tế), dự kiến ngày 3/3, vaccine COVIVAC phòng COVID-19 do Việt Nam sản xuất sẽ được tiêm thử nghiệm trên người. Giai đoạn 1 sẽ thực hiện tại trường Đại học Y Hà Nội với sự tham gia của khoảng 120 người có độ tuổi từ 18-59 tuổi. Tất cả sẽ được tiêm 2 mũi/0,5 ml. Mỗi mũi cách nhau 28 ngày.
Sau 43 ngày tiêm mũi thứ 2 (thuộc giai đoạn 1) nếu kết quả an toàn miễn dịch tốt, chọn được mức liều tối ưu, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp nối chuyển sang nghiên cứu giai đoạn 2. Giai đoạn này dự kiến bắt đầu vào tháng 7/2021, được thực hiện tại Trung tâm y tế huyện Vũ Thư (Thái Bình) mở rộng số lượng người tham gia lên 300 người, đồng thời mở rộng độ tuổi từ 18-75 tuổi (trong đó tuổi từ 60-75 chiếm khoảng 1/3). Dự kiến quá trình nghiên cứu lâm sàng vaccine COVIVAC sẽ hoàn thành vào tháng 10/2021.
Vaccine phòng COVID-19 COVIVAC do viện Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế sản xuất (Ảnh: Báo Nhân dân)
Nhà sản xuất cho biết giai đoạn 1 nhằm đánh giá độ an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch để chọn ra 2 nhóm vaccine tối ưu nhất, chuyển sang nghiên cứu ở giai đoạn 2. Sau tiêm mũi 1, các tình nguyện viên sẽ được theo dõi y tế trong vòng 24 giờ tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội. Sau tiêm mũi 2, thời gian theo dõi y tế các tình nguyện viên là 4 giờ.
Theo tính toán, mỗi liều vaccine COVIVAC có giá không quá 60.000 đồng, kháng thể vaccine COVIVAC chống được biến chủng virus SARS-CoV-2 từ Anh và Nam Phi. Nhà chức trách đang nghiên cứu kháng thể với các chủng khác của virus này.
Vaccine COVIVAC được phát triển trên dây chuyền công nghệ và nhà máy đã có sẵn trong nước. Kết quả các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả.
Đánh giá tiền lâm sàng và những thử nghiệm của vaccine COVIVAC, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định hiệu lực bảo vệ của vaccine COVIAVAC rất tốt: "Chúng tôi tự tin, ngoài vaccine của Nanogen đang được thử nghiệm giai đoạn 2 thì vaccine COVIVAC của IVAC được coi là vaccine tiềm năng trong công cuộc ứng phó đại dịch COVID-19".
Thời gian tiêm vaccine AstraZeneca có thể sẽ chậm hơn dự kiến ban đầu
Trưa 24/2, lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Đây là vaccine của hãng dược phẩm nổi tiếng toàn cầu AstraZeneca phối hợp với đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất, được đưa về Việt Nam theo hợp đồng giữa Hệ thống tiêm chủng VNVC và Tập đoàn AstraZeneca đã ký từ tháng 11/2020.
Theo đó, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca trong năm 2021. Số vaccine này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều sẽ được đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca.
Vaccine AstraZeneca là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam.
Lô vaccine COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca đã về đến Việt Nam vào trưa 24/2 (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo quy định, Bộ Y tế đang cùng với Bộ Thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc đánh giá toàn bộ chất lượng lô vaccine này. Do đó, có thể thời gian tiêm vaccine AstraZeneca sẽ chậm hơn so với dự kiến ban đầu, tuy nhiên nguyên tắc chung là phải bảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả sử dụng vaccine với người dân.
"Các bước đi của Bộ Y tế rất thận trọng, chắc chắn. Vaccine được đưa ra tiêm chủng phải được kiểm nghiệm, đảm bảo an toàn mặc dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết hiệu lực, mức độ bảo vệ của vaccine AstraZeneca khá tốt, sau mũi 1 là 76%, sau mũi 2 là 81%. "Điều quan trọng là 100% các trường hợp được tiêm vaccine này được bảo vệ không tiến triển nặng hơn, tức là có thể có trường hợp mắc nhưng không nặng lên, không tử vong" - Bộ trưởng cho biết.
Lý giải về việc vì sao Việt Nam chọn nhập khẩu vaccine AstraZeneca, PGS.TS Lê Văn Truyền - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết: "Vaccine này có thuận lợi là yêu cầu về bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, tức là có thể bảo quản trong tủ lạnh, khác với nhiều vaccine khác là phải bảo quản ở nhiệt độ -80 độ C – điều khó có thể đảm bảo ở nhiều quốc gia khi tổ chức tiêm vaccine trên diện rộng. AstraZeneca đã có cơ sở sản xuất ở Anh, Italy và Đức. Gần đây, AstraZeneca đã chuyển giao công nghệ, hợp tác với Ấn Độ, Thái Lan và Hàn Quốc. AstraZeneca cũng đã tham gia chương trình COVAX do WHO đề xướng".
Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine AstraZeneca bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID-19 từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên. Các phân tích cũng cho thấy, vaccine AstraZeneca có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng. Tỷ lệ đáng kể này được xác định dựa trên các mẫu xét nghiệm phết mũi họng thu thập được hàng tuần từ các tình nguyện viên trong thử nghiệm tại Anh.
VTV