Chính thức bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội
Từ hôm nay (24/11), Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc được chính thức chuyển giao cho UBND thành phố Hà Nội quản lý, trở thành bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Khu CNC Hòa Lạc.
Lễ ký Biên bản chuyển giao Khu CNC Hòa Lạc giữa Bộ KH&CN và UBND thành phố Hà Nội được thực hiện trong chiều 24/11.
Trước đó, ngày 10/10, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1168/QĐ-TTg về việc chuyển giao Khu CNC Hòa Lạc và bàn giao Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc từ Bộ KH&CN về UBND thành phố Hà Nội quản lý.
Để thực hiện nhiệm vụ bàn giao, Bộ KH&CN và UBND thành phố đã thành lập các Tổ công tác do Bộ trưởng và Chủ tịch UBND TP là đồng Tổ trưởng và chỉ đạo công tác bàn giao.
Hai bên đã tổ chức các buổi làm việc để cùng thống nhất nội dung và lộ trình bàn giao, cũng như các công việc cần phải phối hợp sau khi bàn giao, tiếp nhận Khu CNC Hòa Lạc.
Được thành lập từ năm 1998, trải qua quá trình 25 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 111 dự án đầu tư (bao gồm 96 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 111.500 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ cao thuộc 55 nhóm công nghệ cao, 31 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang quy tụ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam cũng như các dự án đầu tư của tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và phát triển.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu UBND thành phố Hà Nội sau khi tiếp quản Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần bảo đảm kế thừa và phát huy các thành quả đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển Khu từ khi thành lập đến nay; bảo đảm sự ổn định, tránh gián đoạn trong công tác xây dựng, phát triển và quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội huy động thêm các nguồn lực khác từ nguồn ngân sách của thành phố và các nguồn hợp pháp khác để tạo động lực thúc đẩy phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, bảo đảm giữ vững vai trò quan trọng của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong việc thực hiện thành công chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia giai đoạn đến năm 2030.
Trước mắt, Thủ tướng đề nghị UBND thành phố Hà Nội tập trung nguồn lực để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2024, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.
Ngoài ra, cần phát triển hạ tầng xã hội và nhà ở bên trong và bên ngoài Khu Công nghệ cao để đảm bảo ổn định lâu dài đời sống của người lao động, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, triển khai xây dựng đô thị Hòa Lạc, đề xuất các cơ chế chính sách mới, đặc thù vượt trội để phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định quyết tâm huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội để tiếp tục phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo đúng định hướng, mục tiêu đã đề ra.
Một mặt, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, mặt khác xây dựng những cơ chế chính sách có tính đột phá để đưa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thật sự trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu của quốc gia và có vị thế tương xứng trong khu vực.
Chủ tịch thành phố chia sẻ, đối với Hà Nội, việc phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cụ thể hóa quy hoạch xây dựng Thành phố phía Tây theo mô hình thành phố trong thành phố, kiến tạo nên một không gian phát triển mới cho Thủ đô trong tương lai.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, việc chuyển giao là bước ngoặt lớn, quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Khu CNC Hòa Lạc. Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội để thúc đẩy sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc trong thời gian tới.
tienphong.vn