Chính thức bỏ "viên chức suốt đời" từ 1/7: Không còn chỗ cho sự chây ỳ?
Việc bỏ “biên chế suốt đời” đối với viên chức được tuyển dụng sau 1/7 sẽ tạo một cú hích để đội ngũ viên chức có động lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
- 26-06-2020Tiền lương và các qui định về việc làm của cán bộ, công chức từ 1/7
- 19-06-2020Từ 1-7, chưa điều chỉnh lương công chức, viên chức, hưu
- 16-06-2020Cán bộ, công chức sẽ không được hưởng chính sách khi tinh giản biên chế từ 2021?
Bắt đầu từ hôm nay (1/7/2020), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm mới của Luật đó là tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới từ ngày 1/7/2020 sẽ ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, điều này đồng nghĩa với việc không còn “biên chế suốt đời”. Quy định này được đưa ra nhằm mục đích giảm sức ì đối với viên chức, đối tượng lâu nay thường có tư tưởng đã vào Nhà nước là “ấm chân”, suốt đời không cố gắng, không nỗ lực để hoàn thành tốt công việc.
Ảnh minh họa.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, đại diện của Bộ Nội vụ cho biết, đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ năng lực, phẩm chất… (lâu nay vẫn gọi là “sáng cắp ô đi, tối cắp về”), Luật trước đây đã có cơ chế để đào thải. Xét về mức độ hoàn thành công việc, cứ 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cho thôi việc. Viên chức không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị sự nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
Tuy nhiên, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều điều đáng bàn, còn nể nang, cảm tính. Do vậy, một trong những nội dung của Luật sửa đổi lần này là giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, đưa các nguyên tắc đánh giá bằng định lượng, bằng kết quả công việc, sản phẩm cụ thể.
Luật sửa đổi lần này quy định ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức thay vì “không xác định thời hạn” như trước đây là một bước thay đổi trong phương thức quản lý. Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức có hiệu lực, viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2020 trở về sau sẽ được ký hợp đồng xác định thời hạn từ 36 tháng đến 60 tháng.
“Việc này sẽ tạo một cú hích để đội ngũ viên chức được tuyển dụng sau ngày 1/7/2020 có động lực để cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời cũng tạo nên sự cạnh tranh giữa đội ngũ viên chức trong bộ máy hiện tại và đội ngũ viên chức sắp được tuyển nhằm mục đích nâng cao chất lượng hiệu quả công việc” – đại diện Bộ Nội vụ nói và nhấn mạnh việc bỏ “viên chức suốt đời” sẽ tạo cơ chế linh hoạt cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó, đơn vị nào có chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc tốt hơn thì sẽ thu hút nhiều người tài năng hơn. Ngược lại, người lao động cũng phải luôn cố gắng để đáp ứng yêu cầu công việc.
Đánh giá đây là một chính sách tốt, song theo đại diện Bộ Nội vụ, để thực hiện tốt chính sách này đòi hỏi công tác đánh giá thực sự công tâm, khách quan, minh bạch của người đứng đầu. Muốn đánh giá chính xác hiệu quả công việc của thì phải xác định rõ vị trí việc làm của từng đối tượng. Từng công việc phải xác định rất rõ trách nhiệm cũng như trình tự thủ tục để làm sao dựa trên kết quả làm việc, bằng sản phẩm cụ thể, chất lượng hiệu quả công việc để đánh giá. Xây dựng tiêu chí đánh giá trên một mặt bằng chung với những nhóm công việc khác nhau, chứ không đặt ra đối với những đối tượng khác nhau.
Quan điểm của Đảng, Nhà nước hướng tới xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, tức là tiến tới cắt dần “bầu sữa” Nhà nước. Người nào không hoàn thành nhiệm vụ hay chây ỳ trong công việc thì chính đơn vị sự nghiệp công lập đó sẽ có cơ chế đào thải và thu hút người tài để thay thế. Do đó, mỗi người lao động trong guồng máy phải tự cố gắng, tự đổi mới mình bằng hiệu quả công việc để không bị thải loại. Nếu thực hiện tốt, cơ chế ấy giúp đơn vị sử dụng lao động tuyển đúng người vào vị trí công việc, giữ lại đúng người làm được việc.
Hơn thế, với cơ chế xác định vị trí việc làm, không còn chuyện “biên chế suốt đời” sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng trong thị trường lao động, nơi nào có chế độ đãi ngộ tốt hơn, cơ hội thăng tiến tốt hơn thì viên chức đều có thể tìm đến đó.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cũng cho rằng, quy định xóa bỏ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức được dư luận đồng tình, ủng hộ. Bởi đây là cơ hội để đưa những người yếu kém ra khỏi bộ máy, đồng thời khuyến khích người làm việc hiệu quả, giữ chân người tài. Chính sự đổi mới này giúp hệ thống hành chính công được cải cách hiệu quả, môi trường kinh tế - xã hội thực sự kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát triển.
Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. |
Trong một lần trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Thang Văn Phúc cho biết, ở các nước có nền công vụ hiện đại cũng đã thực hiện chế độ hợp đồng đối với công chức, tức bỏ “công chức suốt đời”. Còn ở nước ta, trước mắt bỏ “viên chức suốt đời”, nhưng sau này tiến tới kể cả công chức cũng có thể chuyển sang cơ chế hợp đồng để đảm bảo một nền công vụ năng động, trách nhiệm, thể hiện sự tận tụy. Chứ không phải vào biên chế, công chức hay viên chức làm theo kiểu “sáng cắp ô đi tối đi cắp về” mà không ai cho ra khỏi bộ máy được.
Theo ông Thang Văn Phúc, đội ngũ viên chức có tâm lý cứ yên tâm vào biên chế rồi làm việc không hết trách nhiệm, chất lượng phục vụ kém thì cũng không nên giữ chân họ. Tạo ra sức ép về biên chế để cán bộ tận tụy với công việc, nghề nghiệp nhiều hơn, từ đó Nhà nước, xã hội cũng sẽ đối xử với những cống hiến của họ phù hợp hơn. Viên chức ở trong biên chế 30-40 năm nhưng chất lượng phục vụ không đạt được yêu cầu thì cũng không nên ở lại./.
VOV