MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính thức đề xuất công nhận liệt sĩ với hai "hiệp sĩ" bị cướp đâm tử vong

17-05-2018 - 21:22 PM | Xã hội

Sở LĐ, TB&XH đã đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh xem xét có văn bản đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho hai "hiệp sĩ" bị đâm chết.

Chiều 17/5, đại diện Phòng Người có công (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh) cho biết, vừa có tờ trình, đề xuất công nhận liệt sĩ với hai " hiệp sĩ " đã tử vong khi tham gia ngăn chặn, truy đuổi đối tượng trộm xe máy SH trên địa bàn Quận 3 tối 13/5.

"Hiệp sĩ" được đề xuất gồm Nguyễn Văn Thôi (SN 1976, quê Bình Định, ngụ Q.Tân Bình) và Nguyễn Hoàng Nam (SN 1989, quê Đồng Nai, ngụ Q.Gò Vấp).

Theo đại diện Sở, căn cứ quy định hiện hành, trường hợp chết của hai "hiệp sĩ" trên thuộc trường hợp được xem xét công nhận liệt sĩ theo điểm d khoản 1 điều 17 Nghị định 31/2013 của Chính phủ.

Để ghi nhận hành động dũng cảm của hai "hiệp sĩ" đã xả thân bảo vệ tài sản của nhân dân, Sở LĐ, TB&XH trình UBND TP Hồ Chí Minh xem xét có văn bản đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho hai trường hợp.

Trước đó, ông Nguyễn Duy Kiên, Cục Phó Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho hay, hiện Sở Lao động, Thương binh và xã hội TP đang phối hợp với cơ quan chức năng TP xem xét, hoàn thiện hồ sơ liên quan, trình xem xét chế độ đối với các "hiệp sĩ" tử vong, bị thương khi săn bắt cướp.

Theo ông Kiên, với hai "hiệp sĩ" tử vong là anh Nguyễn Hoàng Nam và anh Nguyễn Văn Thôi nếu có đầy đủ các hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật thì có thể xem xét xác nhận liệt sĩ.

Với ba hiệp sĩ bị thương gồm anh Trần Văn Hoàng (47 tuổi, ở quận Tân Bình), anh Nguyễn Đức Huy (22 tuổi, ở quận Tân Phú) và anh Đinh Phú Quý (22 tuổi, ở huyện Củ Chi) có thể được xem xét, giải quyết chế độ thương binh.

 Chính thức đề xuất công nhận liệt sĩ với hai hiệp sĩ bị cướp đâm tử vong - Ảnh 1.

2 người tử nạn và 3 người khác bị thương trong vụ truy bắt cướp.

Cục Phó Cục Người có công chia sẻ, dù có một số quan điểm trái ngược nhau trong dư luận nhưng cá nhân ông ủng hộ các hành động nghĩa hiệp trên.

"Không phải ai cũng làm được và không bỗng dưng người dân gọi họ là "hiệp sĩ". Họ đã có những hành động nghĩa hiệp, xả thân chống lại cái xấu, đúng với câu "giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha".

Các hành động này rất điển hình, có ý nghĩa tích cực, đảm bảo bình yên cho xã hội", ông Kiên bày tỏ.

Qua việc này, ông Kiên đề nghị, các cơ quan chức năng cần bổ sung, đảm bảo hành lang pháp lý để bảo vệ người dân khi muốn trấn áp tội phạm, tránh trường hợp tham gia đuổi, bắt cướp nhưng lại mang vạ vào thân, bị pháp luật xử lý...

Một lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết, Ban ủng hộ việc khen thưởng, truy tặng danh hiệu, Huân, Huy chương đối với các "hiệp sĩ" tử nạn, bị thương khi truy bắt nhóm cướp trong vụ việc trên.

Việc đề xuất do các cơ quan chức năng của TP HCM xem xét, đưa lên và khi TP trình, Ban sẽ căn cứ, đối chiếu các quy định của pháp luật để thực hiện ngay.

Theo Hoàng Đan

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên