MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính thức thành lập Cục quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

13-12-2022 - 09:17 AM | Tài chính - ngân hàng

Chính thức thành lập Cục quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

Ngày 12/12/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Nghị định 102/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 và thay thế Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN Việt Nam.

Nghị định 102/2022/NĐ-CP quy định NHNN là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (sau đây gọi là tiền tệ và ngân hàng); thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng (TCTD) và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của NHNN.

Theo đó, cơ cấu tổ chức của NHNN theo Nghị định 102 giảm hai đơn vị so với quy định cũ là Vụ Thi đua - Khen thưởng và Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng. Đồng thời sẽ có thêm một đơn vị mới là Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Cụ thể, Nghị định quy định cơ cấu tổ chức của NHNN gồm 25 đơn vị: (1) Vụ Chính sách tiền tệ (2) Vụ Quản lý ngoại hối (3) Vụ Thanh toán, (4) Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, (5) Vụ Dự báo, thống kê, (6) Vụ Hợp tác quốc tế, (7) Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, (8) Vụ Kiểm toán nội bộ, (9) Vụ Pháp chế, (10) Vụ Tài chính - Kế toán, (11) Vụ Tổ chức cán bộ, (12) Vụ Truyền thông, (13) Văn phòng, (14) Cục Công nghệ thông tin, (15) Cục Phát hành và kho quỹ, (16) Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, (17) Cục Quản trị, (18) Sở Giao dịch, (19) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, (20) Các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,(21) Viện Chiến lược ngân hàng, (22) Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, (23) Thời báo Ngân hàng, (24) Tạp chí Ngân hàng, (25) Học viện Ngân hàng.

Vụ Chính sách tiền tệ có 6 phòng. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Hợp tác quốc tế có 5 phòng. Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Thanh toán, Vụ Kiểm toán nội bộ, Vụ Dự báo, thống kê có 4 phòng. Vụ Pháp chế có 3 phòng.

Thống đốc NHNN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc NHNN.

Thống đốc NHNN ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc NHNN theo quy định của pháp luật, trừ Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Vụ Quản lý ngoại hối, Sở Giao dịch tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định hiện hành cho đến khi Thống đốc NHNN ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, Vụ Quản lý ngoại hối và Sở giao dịch.

Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng được hoàn thành các nhiệm vụ đang thực hiện cho đến khi Thống đốc NHNN thực hiện xong việc sắp xếp tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản của Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng.

Hồi đầu năm nay, NHNN cho biết có 2 đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước là Vụ Quản lý ngoại hối (thực hiện quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) và Sở Giao dịch (thực hiện các nghiệp vụ cụ thể về dự trữ ngoại hối nhà nước).

Tuy nhiên, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng cao trong những năm gần đây, khiến khối lượng công việc tác nghiệp tại Sở Giao dịch trở nên quá tải do sự gia tăng của lượng tài sản cần quản lý, gây áp lực công việc lên lực lượng công chức. Đồng thời, tình hình thị trường tài chính quốc tế trong những năm gần đây và dự kiến trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo NHNN, quản lý dự trữ ngoại hối là nhiệm vụ rất quan trọng của Ngân hàng Trung ương vì dự trữ ngoại hối đảm bảo khả năng thanh toán của quốc gia trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tiền tệ và được dùng để can thiệp thị trường ngoại tệ trong nước theo các mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia. Đồng thời, quản lý dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương bao gồm nhiều nhiệm vụ khác nhau đòi hỏi có kiến thức chuyên môn cao, như nghiệp vụ đầu tư trên thị trường quốc tế, quản lý danh mục đầu tư, quản lý rủi ro và thanh toán quốc tế, hạch toán kế toán...

Khi quy mô dự trữ lớn, hầu hết các Ngân hàng Trung ương sẽ chuyển sang mô hình quản lý tập trung thành lập một đơn vị độc lập trong tổ chức bộ máy của Ngân hàng Trung ương để chuyên trách thực hiện công tác quản lý dự trữ ngoại hối. Do vậy, việc từng bước chuyển đổi sang phương thức quản lý mới, Ngân hàng Nhà nước cần phải có một đơn vị mới độc lập chuyên trách về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

Minh Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên