MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính trị gia chuyển giới ở Philippines tự tin sẽ chiến thắng

05-05-2016 - 14:37 PM | Tài chính quốc tế

Ứng viên Geraldine Roman đang tràn trề hy vọng trở thành nhà lập pháp chuyển giới đầu tiên tại quốc gia Thiên Chúa giáo Philippines.

Chính trị gia 49 tuổi, thành viên của một gia đình quyền lực có truyền thống làm chính trị rất có khả năng sẽ giành được một ghế ở Hạ viện Philippines trong cuộc bầu cử ngày thứ Hai tới đây, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) tại Philippines.

Giáo lý của nhà thờ bảo thủ là một lực lượng chi phối chính trị chiếm ưu thế ở Philippines: ly hôn, phá thai và kết hôn đồng giới là bất hợp pháp, không có chính trị gia thuộc bộ máy nhà nước nào là người đồng tính công khai, và cộng đồng LGBT đã phải vật lộn rất nhiều để tạo sự ảnh hưởng.

Roman đã từng bị mỉa mai và hành hung trong hành trình vận động tranh cử vài tuần gần đây, nhưng cô vẫn không mất tinh thần.

“Cuộc đời tôi chẳng có gì bí mật. Tôi lớn lên ở đây. Mọi người biết tôi.Giới tính chỉ trở thành vấn đề khi bạn cố giấu giếm nó. Đó không phải một điều tồi tệ. Tôi chưa bao giờ làm hại ai. Tôi rất hạnh phúc, vậy tại sao tôi phải cảm thấy xấu hổ?”

Roman chia sẻ với hãng tin AFP sau một ngày vận động tranh cử ở Bataan, một tỉnh miền quê phía bắc thủ đô Manila, nơi mẹ cô làm nghị sỹ suốt 9 năm và gia đình Roman có ảnh hưởng chính trị sâu rộng.

Roman chia sẻ, cô từng nhiều lần bị bạn học chế nhạo, nhưng người cha đã khuất của cô, một chính trị gia đầy quyền lực đã dạy cô phải tự tin. Roman có thể nói được 3 ngôn ngữ của châu Âu, sở hữu hai bằng thạc sỹ và từng làm việc ở Tây Ban Nha với vai trò biên tập viên cấp cao của Thông tấn xã Tây Ban Nha, trước khi trở về nước 4 năm trước để chăm sóc người cha bị bệnh. Cô đã phẫu thuật chuyển giới và đổi tên vào những năm 1990, và có quan hệ tình cảm với một người đàn ông suốt 18 năm qua.


Ứng viên Geraldine Roman tiếp xúc cử tri.

Ứng viên Geraldine Roman tiếp xúc cử tri.

Roman hy vọng chiến thắng vào ngày thứ Hai tới của cô sẽ hỗ trợ cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới. “Việc một người như tôi sẽ vào Quốc hội là một tuyên bố rằng người chuyển giới cũng có thể phục vụ đất nước và không nên bị phân biệt đối xử.”

Năm 2001, một đạo luật đã được thông qua khiến những người Philippines chuyển giới không được phép đổi tên và giới tính trên giấy tờ. Năm 2010, ủy ban bầu cử cũng đã cấm đảng Ang Ladlad đại diện cho cộng đồng LGBT ra tranh cử và buộc tội đảng này có “hành động vô đạo đức chống lại đức tin tôn giáo.”

Tòa án tối cao đã bác bỏ quyết định này của ủy ban bầu cử, nhưng đảng Ang Ladlad vẫn không giành được một ghế trong Quốc hội trong hai cuộc bầu cử vừa qua. Roman cho biết, nếu trúng cử, cô sẽ ủng hộ dự luật chống phân biệt đối xử đã lay lắt suốt 16 năm qua để trao quyền lợi cho cộng đồng LGBT, như được đối xử công bằng ở nơi làm việc, khách sạn và trường học. Cô cũng sẽ vận động để hợp pháp hóa việc chuyển giới.

“Tôi là bằng chứng sống cho thấy một bộ luật như vậy sẽ cho phép người chuyển giới theo đuổi hạnh phúc và trở thành những công dân có năng suất lao động cao,” Roman chia sẻ.

Tuy nhiên, Roman cũng nhấn mạnh cô không muốn biến vấn đề giới tính thành trọng tâm sự nghiệp chính trị của mình. Roman đã nêu ra kế hoạch cho người dân ở Bataan nếu cô trúng cử và trở thành nữ nghị sĩ của họ, bao gồm tiếp tục các hỗ trợ y tế và cấp học bổng mà gia đình cô đã mang đến cho người dân ở đây suốt nhiều thế hệ.

Roman được kỳ vọng rộng rãi là sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày thứ Hai tới. Bern Salenga, một nông dân cho biết sẽ bỏ phiếu cho Roman vì cô đã hứa sẽ tiếp bước truyền thống giúp đỡ người nghèo của gia đình. “Cô ấy cũng là người. Chúng ta đều có quyền bình đẳng. Tôi không có vấn đề gì với việc cô ấy là người chuyển giới,” Salenga chia sẻ.

“Dù chỉ là một người, nhưng cô ấy sẽ tạo ra tiếng vang. Điều đó sẽ giúp chúng tôi trong các vấn đề hay bị ngó lơ, như HIV hay bạo lực tình dục,” Anastacio Marasigan, người phát ngôn của Mạng lưới vận động pháp lý cho người đồng tính nam và nữ chia sẻ với hãng tin AFP.

Roman, một người theo đạo Thiên Chúa đã chia sẻ thông điệp giản dị cho những người không tin cô có thể làm chính trị: “Nếu Chúa còn sống đến ngày nay, ngài sẽ không chấp nhận chuyện phân biệt đối xử. Tôi hoàn toàn tin là như vậy”.

Mai Nguyễn

Vietnam+

Trở lên trên