Chính trường chao đảo, nhà máy bị thiêu rụi, quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới vụt mất đơn hàng vào tay các đối thủ Đông Nam Á
Lo ngại khủng hoảng tại Bangladesh, nhiều hãng thời trang quốc tế đang chuyển đơn hàng may mặc sang các quốc gia Đông Nam Á.
- 06-08-2024Quốc hội Bangladesh giải tán sau khi phe biểu tình ra tối hậu thư
- 05-08-2024Thủ tướng Bangladesh từ chức, bay đến 'nơi trú ẩn an toàn'
- 28-04-2024Bangladesh hứng chịu đợt nắng nóng nhất và dài nhất trong lịch sử
Theo công ty sản xuất tại Bangladesh, ông lớn thời trang quốc tế đang chuyển đơn hàng khỏi quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới do tình hình chính trị bất ổn tại đây.
Các nhà máy đã đóng cửa trong nhiều ngày sau các vụ nổi loạn. Nhiều nhà máy, bao gồm nhà cung cấp cho các thương hiệu toàn cầu như H&M và Zara, đã bị đốt cháy trong các vụ tấn công.
Ước tính có khoảng 500 người thiệt mạng trong nhiều tuần xảy ra bạo loạn, khiến việc giao quần áo và giày dép cho mùa bán lẻ mùa đông ở châu Âu và Bắc Mỹ bị gián đoạn.
Các nhà máy buộc phải hoạt động thêm giờ và vận chuyển sản phẩm bằng đường hàng không để nhanh chóng giải quyết hàng tồn đọng đã kéo daì hàng tháng. Tuy vậy, vận chuyển bằng đường hàng không vô cùng tốn kém, do đó bào mòn lợi nhuận của các nhà máy.
Các công ty xuất khẩu Bangladesh cho biết một số thương hiệu lớn đã chuyển đơn đặt hàng cho các mùa sắp tới cho các nhà cung cấp đối thủ ở Đông Nam Á. Việc này sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đe dọa nền tảng kinh tế của quốc gia 170 triệu dân.
Mamun Rashid, cố vấn cho các nhà sản xuất hàng may mặc tại Bangladesh, cho biết khách hàng Tây Ban Nha và Đức nói rằng họ đang chuyển 40% đơn hàng sang Campuchia hoặc Indonesia. Họ không biết tình trạng hỗn loạn này sẽ kéo dài bao lâu nữa.
Syed Nasim Manzur, giám đốc điều hành của Apex Footwear – nhà cung ứng cho hãng Decathlon (Pháp) và Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo, Nhật Bản), cho biết sự biến động này đã “làm lung lay niềm tin” của các thương hiệu quốc tế vào Bangladesh.
Manzur, đồng thời là chủ tịch của hiệp hội xuất khẩu hàng da và giày dép Bangladesh, cho biết: “Các tập đoàn lớn cho biết họ sẽ giảm 30% lượng đơn hàng từ Bangladesh cho mùa tới”.
Nhiều thương hiệu toàn cầu phụ thuộc vào Bangladesh. Ví dụ, H&M mua hàng từ hơn 1.000 nhà máy ở Bangladesh. Quốc gia này đã xuất khẩu 47 tỷ USD hàng may mặc vào năm 2023, đồng thời là nhà sản xuất giày dép và đồ da lớn.
Manzur của Apex cho rằng ổn định chính trị là “điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng kinh tế”. “Nền kinh tế đã mất đi rất nhiều động lực, cần phải lấy lại động lực ngay khi có cơ hội”.
Tuy vậy, một số chủ doanh nghiệp cho biết ngay cả khi đơn hàng tạm thời mất vào tay các quốc gia khác, thì nguồn lao động dồi dào và chi phí thấp của Bangladesh sẽ giúp nước này khó có thể bị thay thế trong dài hạn.
“Tất cả chúng tôi đều đang cố gắng phục hồi”, Nowshin Islam, giám đốc phụ trách sản xuất đồ thể thao của Apex cho biết. Bà thừa nhận tình hình vẫn chưa chắc chắn, nhưng nói thêm: “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ sớm vượt qua thôi. Tôi rất lạc quan về tương lai”.
Theo FT
Nhịp Sống Thị Trường