Chính trường Mỹ lại dậy sóng sau cáo buộc Obama nghe lén tháp Trump
Vài ngày qua, chính trường Mỹ được hâm nóng sau khi Tổng thống Trump cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama lạm quyền khi ra lệnh theo dõi tháp Trump trong quá trình tranh cử. Tuy ông Trump không đưa ra bằng chứng cụ thể nhưng Nhà Trắng vẫn thúc giục Quốc hội Mỹ, vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát, điều tra theo cáo buộc của Tổng thống.
- 05-03-2017Trump có thể đưa ngoại giao Mỹ về đâu? (Phần 1)
- 05-03-2017Bên trong xưởng giày ‘Made in China’ của ái nữ nhà Trump
- 05-03-2017Vai trò của FBI trong vụ ông Obama bị tố 'nghe lén' Tổng thống Trump
- 04-03-2017Tổng thống Trump và những lầm tưởng về một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
- 03-03-2017S&P 500 sẽ tăng gấp đôi, nhưng không phải vì Donald Trump?
Thượng nghị sĩ Devin Nunes của California, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho biết, ủy ban của ông sẽ xem xét cáo buộc của Tổng thống Trump như là một phần của cuộc điều tra về sự can thiệp của tin tặc Nga vào bầu cử Tổng thống Mỹ.
“Như vậy, Ủy ban Tình báo Hạ viện sẽ điều tra làm rõ xem chính quyền của Tổng thống Obama có tiến hành các hoạt động giám sát với các chiến dịch tranh cử hay đại diện của bất cứ đảng phái nào trong cuộc đua vào Nhà Trắng hay không. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra vấn đề này nếu bằng chứng cho thấy sự khả nghi”, ông Nunes khẳng định.
Trong khi đó, đảng Dân chủ tiếp tục gọi cáo buộc của Tổng thống Trump là vô căn cứ, động thái nhằm đánh lạc hướng những vấn đề của Chính quyền Trump trong những ngày đầu chèo lái nước Mỹ. Lãnh đạo phe Dân chủ ở Hạ viện Nancy Pelosi nhấn mạnh: “Các ông tạo ra một thứ để báo chí viết về nó và nói rằng ‘mọi người đều viết về điều đó’. Đó là công cụ của sự độc tài để đảm bảo rằng các ông luôn nói những gì các ông muốn”.
Giám đốc Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ James Comey cũng yêu cầu Bộ Tư pháp bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Trump. Theo lập luận của ông Comey, tuyên bố của Tổng thống Trump không chính xác và cũng chẳng có bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ đã không chấp thuận yêu cầu của Comey.
Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cũng lên tiếng bác cáo buộc của Tổng thống Trump. Trả lời NBC, ông Clapper khẳng định không có hoạt động nghe lén nhằm vào ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng hay sau khi ông đắc cử. Ông Clapper từ chức sau khi Tổng thống Barack Obama mãn nhiệm.
Theo luật pháp của Mỹ, một tòa án liên bang cần xác định được mục tiêu của cuộc giám sát nhằm vào “một mật vụ của thế lực nước ngoài” để có thể thông qua lệnh giám sát điện tử tháp Trump. Clapper khẳng định không có lệnh nào tương tự được tòa án liên bang thông qua.
Những tranh cãi gay gắt trên chính trường Mỹ nổ ra sau khi Tổng thống Trump cáo buộc ông Obama ra lệnh nghe lén điện thoại tại trụ sở chiến dịch tranh cử của ông Trump nằm trong tháp Trump tại New York. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc vào người tiền nhiệm. Sean Spicer, người phát ngôn Nhà Trắng, cho biết tổng thống và chính quyền không có bình luận gì thêm về vấn đề này tới khi Quốc hội hoàn tất điều tra.