MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chịu nhiều áp lực, đồng USD chạm đáy gần 3 năm

09-09-2017 - 08:16 AM | Tài chính quốc tế

Thị trường nhận thấy có nhiều lý do để tin rằng đồng USD sẽ tiếp tục mất giá...

Đồng USD đã rớt giá xuống mức thấp nhất gần 3 năm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường New York, do chịu sức ép từ một loạt yếu tố bao gồm thiệt hại do siêu bão gây ra đối với kinh tế Mỹ, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giãn tiến độ tăng lãi suất.

Theo tờ Financial Times, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD so với một loạt đồng tiền chủ chốt khác, có lúc giảm 0,5% trong phiên ngày thứ Sáu, xuống mức hơn 91 điểm, thấp nhất kể từ tháng 1/2015.

Cú giảm trên nối dài xu hướng mất giá của đồng bạc xanh từ tháng 1 năm nay, nâng mức mất giá của đồng tiền này từ đầu năm lên 12%.

Sau khi đặt trọng tâm chú ý vào đồng Euro trong suốt tuần này, khi mà tâm điểm là cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày thứ Sáu, các nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển sự chú ý trở lại đồng USD. Thị trường nhận thấy có nhiều lý do để tin rằng đồng USD sẽ tiếp tục mất giá.

Ông Valentin Marinov, nhà phân tích thuộc ngân hàng Credit Agricole nhận định, đối với đồng USD, tuần này giống như “cơn bão hoàn hảo”. Theo nhà phân tích này, dù mối lo về trần nợ liên bang 19,8 nghìn tỷ USD của Mỹ đã được giải tỏa tạm thời sau khi Tổng thống Donald Trump đạt thỏa thuận với Đảng Dân chủ, tâm lý của các nhà đầu tư về đồng USD “vẫn đang bị đè nặng”.

Trong cuộc họp của ECB, Chủ tịch Mario Draghi đã bày tỏ lo ngại về sự tăng giá của đồng Euro, nhưng giới đầu tư vẫn tìm thấy lý do để mua vào đồng tiền chung châu Âu trong ngắn hạn, bởi ECB nói rằng phải sang tháng 10 mới có thể quyết định về việc cắt giảm hay không chương trình mua trái phiếu.

Ngoài sự tăng giá của đồng Euro, đồng USD còn chịu sức ép mất giá từ những lý do liên quan đến FED. Giới đầu tư giờ đây gần như không còn tin là FED sẽ nâng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2017. Chủ tịch FED tại New York, ông William Dudley, nói rằng dữ liệu lạm phát yếu đang là điều khiến FED bối rối - một tín hiệu ngân hàng trung ương này sẽ không sớm tăng thêm lãi suất cơ bản đồng USD.

Đối với một số nhà đầu tư, diễn biến quan trọng hơn liên quan đến FED là vụ từ chức của Phó chủ tịch FED Stanely Fischer, một người có quan điểm cứng rắn về lãi suất. Ngân hàng Rabobank cho rằng sự ra đi của ông Fischer làm suy giảm khả năng FED có lần tăng lãi suất thứ ba trong năm 2017.

Chuyên gia Derek Halpenny thuộc ngân hàng MUFG cho rằng khả năng FED nâng lãi suất trong tháng 12 chỉ là 20% và chịu ảnh hưởng của sự gián đoạn mà siêu bão Harvey gây ra cho nền kinh tế Mỹ. Sau bão Harvey, một cơn bão nguy hiểm khác là Irma cũng đang đổ bộ vào Mỹ.

“Các bạn sẽ phải đặt câu hỏi là với mức độ thiệt hại mà những cơn bão này gây ra đối với các số liệu kinh tế, thì FED có thể tự tin đến thế nào trong khi ra các quyết định chính sách”, ông Halpenny nói.

Với cái nhìn rộng hơn, chuyên gia Kit Juckes thuộc ngân hàng Societe Generale, cho rằng những lý do để lạc quan về kinh tế Mỹ đang khá hạn chế. “Mức đỉnh tăng trưởng của kinh tế Mỹ, mức đỉnh kỳ vọng về lãi suất FED và tác động kinh tế của Tổng thống Trump, tất cả đều đã lùi lại phía sau”, ông Juckes phát biểu.

Một số nhà phân tích khác lại đặt tâm điểm chú ý vào vấn đề Triều Tiên, nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng có thể thử tên lửa vào ngày Quốc khánh (9/9). Nhà phân tích Viraj Patel của ngân hàng ING ngày 8/9 khuyến cáo các nhà đầu tư muốn tránh rủi ro thì nên tránh mua vào USD ở thời điểm hiện nay.

Theo Diệp Vũ

VnEconomy

Trở lên trên