Chớ đánh đồng hệ quả của M&A với mất thương hiệu quốc gia
Vào ngày 18/12/2017, Bộ Công Thương đã thành công thoái xong 53,59% vốn điều lệ của Sabeco với mức giá hy hữu khoảng 4,8 tỷ USD. Sau thành công của cuộc chào bán, liệu người Việt có nên lo lắng về việc mất thươnghiệu quốc gia?
Theo chia sẻ của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, về vấn đề giữ thương hiệu Bia Sài Gòn, Chính phủ cũng giao cho Bộ Công Thương đề nghị nhà đầu tư phải cam kết giữ thương hiệu Việt vì đây là thương hiệu của quốc gia. Nguyên tắc “Giữ gìn và phát triển thương hiệu bia Việt Nam” đã được ghi nhận rõ ràng tại thông báo chào bán cũng như cả kết quả chào bán và được xác định là “nguyên tắc chuyển nhượng cổ phần nhà nước tại Sabeco”.
Không cần lo mất thương hiệu
Tư duy giữ thương hiệu quốc gia chủ yếu tồn tại ở các nước Châu Á và đã lỗi thời. Thương hiệu thật sự chỉ tồn tại trong tâm trí khách hàng. Nó được tạo nên bởi chất lượng sản phẩm và giá trị cảm xúc mà sản phẩm đem lại cho người dùng. Người ta thích bia Sài Gòn vì hương vị của nó và nhiều yếu tố khác như thói quen, giá bình dân... Có lẽ không mấy ai trong bàn nhậu quan tâm xem người sản xuất bia Sài Gòn - Sabeco là doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân.
Thương hiệu có sức sống riêng của nó. Trong trường hợp của Sabeco, với chiến lược marketing và chất lượng như hiện nay, bia Sài Gòn sẽ vẫn là bia của người Việt, một thương hiệu đứng đầu trong ngành bia, dù đứng đằng sau nó là tỷ phú Charoen hay Nhà nước. Thậm chí, sự thành công không ngờ của thương vụ chào bán này còn mang đến cơ hội quảng cáo miễn phí cho Sabeco, bia Sài Gòn để những cái tên này được biết đến nhiều hơn trên thế giới.
Cho nên việc bán vốn đã mang lại lợi ích kép cho Sabeco và cả thương hiệu bia Sài Gòn. Sẽ không có bất kỳ nhà đầu tư thông minh nào từ bỏ một thương hiệu quốc gia đã vô tình được quảng bá miễn phí toàn cầu. Trong ngành bia, cũng không có doanh nghiệp lớn nào mua lại một nhãn bia hàng đầu của địa phương để xóa sổ nó. Chính vì vậy, người khổng lồ ngành bia – AB InBev đang có đến 500 nhãn bia và có những nhãn bia đặc thù cho từng địa phương, quốc gia, thay vì xóa sổ thương hiệu địa phương và thay bằng những thương hiệu toàn cầu.
Thực tế cho thấy, sau khi mua lại hệ thống siêu thị Metro, hơn 90% tổng số sản phẩm ông chủ người Thái bày bán trên các kệ hàng có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống của kinh doanh của doanh nghiệp này còn mở rộng đầu tư, nâng cao trình độ canh tác của người nông dân, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Thái và góp phần đẩy mạnh giao thương hai nước.
Không dừng lại ở đó, ông Charoen còn mang hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối của Big C Thái Lan và các siêu thị của mình tại nhiều nước khác. Chính vì vậy, với việc chỉ sở hữu ba thương hiệu bia ít ỏi (bia Chang, bia Archa và bia Federbräu), không có lý do nào để ông Charoen “bỏ rơi” một thương hiệu bia nổi tiếng, đã có chỗ đứng chắc chắn tại một quốc gia.
Nhìn từ góc độ khách quan, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận định trường hợp doanh nghiệp Thái làm chủ hoàn toàn một doanh nghiệp Việt thì thương hiệu đó vẫn là thương hiệu Việt, cơ chế tài chính vẫn giữ và đa số cổ đông, thị trường tiêu thụ chính vẫn là Việt Nam. Thương hiệu có sức sống riêng, việc giữ hay xóa bỏ một thương hiệu sau mua bán sáp nhập không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ doanh nghiệp mà căn cứ vào phản ứng của người tiêu dùng, người tiêu dùng còn ưa chuộng thì sẽ còn sống.
"Lấy ví dụ về thương hiệu bia Sài Gòn, nếu nhà đầu tư Thái mua được Sabeco, xóa nhãn bia Sài Gòn thì chắc chắn sẽ có doanh nghiệp khác nhảy vào "xí" ngay. Nói cách khác, bia Sài Gòn còn gắn với tâm thức của người tiêu dùng, kể được những câu chuyện liên quan đến họ thì sẽ không bao giờ chết" - ông Võ Văn Quang nói.
Nhận xét đó rất đúng. Khác với bia Chang gắn liền với hình tượng con voi nhưng biểu tượng này lại gắn với văn hóa của cả khu vực Nam Á và Đông Nam Á và không phải là đặc trưng riêng có của Thái Lan. Bia Sài Gòn lại gắn liền với một địa danh đã đi vào lịch sử và định danh rõ một loại bia được khởi nguồn từ Sài Gòn – nơi được mệnh danh là “hòn ngọc viễn đông”.
Không phải hối tiếc
Theo cách nói của ông Tiến, “tiếc nuối thì ai cũng tiếc, nhưng tiếc cũng phải phục vụ cho mục tiêu phát triển”. Nhà đầu tư trong hay ngoài nước đều phải tuân thủ pháp luật, vì quyền lợi người dân Việt Nam, nhà nước bảo hộ các quyền đó. Nhà đầu tư nước ngoài họ tuân thủ các quy định đó thì không có lý do gì chúng ta cấm người ta được, cũng không ưu ái gì. Không phải vì nhà đầu tư Việt Nam không mua được mà đánh đổi quyền lợi người dân và không bán cho nước ngoài.
Vậy nên, việc bán cổ phần cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khả năng mất thương hiệu bia Sài Gòn không nên được đánh đồng làm một, đánh tráo khái niệm để gây hiểu xiên xẹo, bóp méo chính sách tích cực xây dựng Chính phủ liêm chính của Nhà nước.