MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chợ đầu mối Hóc Môn chuẩn bị mở cửa cho việc trung chuyển hàng hóa về TP HCM

17-07-2021 - 15:55 PM | Thị trường

Chợ đầu mối Hóc Môn chuẩn bị mở cửa cho việc trung chuyển hàng hóa về TP HCM

Ban quản lý Chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM) đang triển khai các bước chuẩn bị, dự kiến sẽ đưa điểm trung chuyển tại chợ này đi vào hoạt động trong 1-2 ngày tới.

Ngày 17-7, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ Đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết Sở Công Thương TP HCM và UBND huyện Hóc Môn đã thống nhất cơ bản với phương án bố trí địa điểm và chuẩn bị tổ chức điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá của chợ.

"Trong hôm nay, công ty sẽ làm việc với các thương nhân đăng ký đưa hàng vào điểm trung chuyển và các bộ phận liên quan để triển khai thực hiện. Sáng mai, 18-7, sẽ tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho những người làm việc tại điểm trung chuyển này để kịp mở cửa hoạt động vào tối 18-7" - ông Dũng cho biết.

Khu vực sử dụng làm điểm trung chuyển được kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt, chỉ có xe tải chở hàng từ các nơi đến và xe tải nhỏ nhận hàng đã đăng ký trước với ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn mới được ra vào; tuyệt đối không có xe ba gác hay xe máy đến chở hàng. Hàng hoá về đến điểm trung chuyển phải bốc xếp lên xe tải nhỏ chở đi ngay. Tất cả tài xế bên giao lẫn bên nhận hàng, nhân viên bốc xếp làm việc tại điểm trung chuyển đều phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ, phải tiến hàng khai báo y tế...

Điểm trung chuyển này được bố trí tại bãi đậu container rộng hơn 5.000 m2 trong khuôn viên chợ. Xe tải chở hàng hóa từ nơi về sẽ được phun khử khuẩn nhằm bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch trước khi nhân viên bốc xếp chuyển hàng hoá từ xe tải lớn sang xe tải nhỏ để đưa đi tiêu thụ.

Dự kiến, trong đêm đầu tiên có 2 thương nhân đăng ký đưa hàng về trạm trung chuyển, sản lượng hàng hoá tối đa có thể đạt 120-140 tấn.

"Ban đầu, có 12 thuơng nhân kinh doanh rau củ quả tại chợ đăng ký đưa hàng về điểm trung chuyển để sang xe qua các xe tải nhỏ đưa đi tiêu thụ. Tuy nhiên, do dịch bệnh phức tạp, một số thương nhân cùng nhân viên của họ đang ở trong khu phong toả nên chưa thể tổ chức lại việc kinh doanh. Nếu tình hình thuận lợi hơn, sắp tới các thương nhân sẽ đăng ký trở lại nhiều hơn" - ông Dũng thông tin.

Chợ đầu mối Hóc Môn chuẩn bị mở cửa cho việc trung chuyển hàng hóa về TP HCM - Ảnh 1.

Hàng hoá từ các điểm trung chuyển sẽ được đưa đi tiêu thụ tại nhiều khu vực ở TP HCM


Chợ đầu mối Hóc Môn là chợ đầu mối thứ 2 tại TP HCM tổ chức điểm trung chuyển hàng hoá nông sản thực phẩm cung cấp cho thị trường TP trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Trước đó, ngày 12-7, điểm trung chuyển hàng hoá đầu tiên của TP HCM tại chợ đầu mối Thủ Đức đã đi vào hoạt động với sự tham gia đăng ký của 18 thương nhân, dự kiến trung chuyển, cung cấp khoảng 1.500 - 2.000 tấn rau củ quả cho người dân TP mỗi đêm.

Trong đêm đầu tiên, có 6 thương nhân tổ chức trung chuyển hàng tại đây nhưng đến nay chỉ còn 3 thương nhân hoạt động. Lượng hàng cũng giảm đáng kể, chỉ còn 50-70 tấn rau củ quả Trung Quốc vận chuyển bằng container lạnh tập kết về đây để chuyển đi tiêu thụ.

Thương nhân và nhân viên của họ chủ yếu sống tại các phường Bình Chiểu, Hiệp Bình Phước... ở gần chợ và đang bị phong tỏa gần hết nên phải tạm ngưng hoạt động.

Ngoài 2 điểm trung chuyển này, TP HCM cũng đang triển khai thí điểm mở lại hoạt động kinh doanh rau củ quả, thịt, cá tại các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động để cung cấp nơi mua sắm thực phẩm hằng ngày cho người dân.

Trong thời gian chuỗi cung ứng hàng hoá thực phẩm cho người dân TP HCM đang khó khăn do hơn 3/4 chợ truyền thống ngừng hoạt động, hệ thống siêu thị, cửa hàng bị quá tải, Sở Công Thương TP HCM đã huy động các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistic bổ trợ kênh phân phối, cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn, góp phần thực hiện các giải pháp phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu bình ổn đến người tiêu dùng.

Chương trình đã "kích hoạt" những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau "ghép nối" lại, bổ trợ lẫn nhau trong các khâu: từ thu mua, vận chuyển, lưu trữ đến phân phối. Các doanh nghiệp sẽ bổ sung hàng ngàn điểm bán, bao gồm 1.000 điểm bán của Vinshop, 150 điểm bán của hệ thống Con cưng, 67 điểm bán của Công ty Guardian Việt Nam và 300 điểm bán của Pharmacity, 36 điểm bán của Công ty Đầu tư Thương mại Phát triển Nhất Tín.

Các trang thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee, Lazada…cũng sẽ đẩy mạnh bán hàng rau củ quả trên các nền tảng này, giúp người dân TP HCM có điều kiện tiếp cận được nhiều hơn các kênh cung ứng, phân phối lương thực thực phẩm.

Tính đến ngày 15-7, 225 điểm bán hàng lưu động đã được Sở Công Thương TP HCM phối hợp với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp thương mại, logistics tổ chức trên địa bàn các quận - huyện, TP Thủ đức.

Theo Thanh Nhân

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên