MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho đi gia tài cả đời ở tuổi 85, vị tỷ phú "dũng cảm" này là lý do khiến Bill Gates làm từ thiện: Dùng tiền giúp người, đó mới là đỉnh cao của sự mãn nguyện!

21-03-2019 - 23:25 PM | Sống

Không phải ai cũng có gan làm được điều này như tỷ phú Chuck Feeney: cho đi toàn bộ tài sản tích lũy ròng rã mấy chục năm vì mục đích từ thiện.

Nhạy bén không chỉ là điều cần thiết để thành công trong kinh doanh. Các doanh nhân thành đạt nên áp dụng cả kỹ năng này để tạo dấu ấn trong lĩnh vực từ thiện nhân đạo.

Bằng cách này, họ có thể xác định các dự án mà ở đó, khoản đầu tư của họ sẽ tạo sự khác biệt rõ rệt và họ có thể trở thành một phần quan trọng trong quá trình. Nó sẽ đem đến nhiều lợi ích to lớn hơn so với việc để lại tiền cho thế hệ sau. Bởi lẽ, chưa chắc số tiền mà họ để lại sẽ được người thừa hưởng sử dụng một cách khôn ngoan như họ mong muốn.

Một trong những “tượng đài” của triết lý “cho đi khi còn sống” này là tỷ phú Chuck Feeney. Vào tháng 12/2016, khi Feeny bước sang tuổi 85, ông đã tặng khoản tiền lớn cuối cùng trị giá 8 tỷ USD cho Quỹ từ thiện Atlantic do mình sáng lập. Tất cả những gì ông để lại cho mình vào lúc cuối đời chỉ là vỏn vẹn 2 triệu USD đầy khiêm tốn.


Cho đi gia tài cả đời ở tuổi 85, vị tỷ phú dũng cảm này là lý do khiến Bill Gates làm từ thiện: Dùng tiền giúp người, đó mới là đỉnh cao của sự mãn nguyện! - Ảnh 1.

Chân dung Chuck Feeney - vị tỷ phú dành cả đời để làm từ thiện.

Nhiều tiền cũng không hẳn là sung sướng

Sự nghiệp của Feeney khởi sắc với vai trò là nhà đồng sáng lập của Duty Free Shopper (DFS) - tập đoàn bán lẻ các xa xỉ phẩm có trụ sở tại Hồng Kông. Thế nhưng, con đường đi tới thành công ấy lại không hề trải đầy hoa hồng. Đã có lúc công ty của ông đứng bên bờ vực phá sản. Thế rồi, khi ngành du lịch Nhật Bản bùng nổ trên thị trường quốc tế, Feeney quyết định đặt các cửa hàng duty-free đầu tiên của mình ở những địa điểm chiến lược như Hawaii và Hồng Kông. Chẳng mấy chốc mà công ty ông thu lại lợi nhuận một cách nhanh chóng.

Mặc dù vậy, đối với Feeney, kinh doanh chỉ là câu chuyện về sự cạnh tranh và nỗ lực để giành chiến thắng. Tiền bạc có thể là chiến lợi phẩm của thành công, nhưng nó chưa từng là lẽ sống của đời ông. Việc có quá nhiều tiền chỉ càng khiến ông thêm phần bất tiện.

“Đến năm 1980, tôi bắt đầu tự hỏi: Tất cả những thứ này rồi sẽ đi về đâu? Mình sẽ phải làm gì với chúng?” Feeny nhớ lại. “Tôi là kiểu người mà chỉ một cái bánh mì kẹp phô mai và cà chua cũng đủ khiến tôi hạnh phúc rồi.”


Cho đi gia tài cả đời ở tuổi 85, vị tỷ phú dũng cảm này là lý do khiến Bill Gates làm từ thiện: Dùng tiền giúp người, đó mới là đỉnh cao của sự mãn nguyện! - Ảnh 2.

Vào khoảng thời gian này, Feeney đã có dịp tiếp xúc với The Gospel of Wealth - một bài luận vô cùng giá trị được viết bởi ông trùm ngành thép Andrew Carnegie vào năm 1889. Trong đó, Carnegie chỉ ra, việc để lại khối tài sản kếch xù cho gia đình có thể trở thành gánh nặng, nhưng đem tặng cho chính phủ lại là cả một sự lãng phí.

Thay vào đó, ông trùm tư bản này động viên mọi người hãy đem tiền bạc tặng cho những người cần nó để họ có thể tự hỗ trợ bản thân. Hành động ấy có thể đem lại “trí tuệ vượt trội, cùng kinh nghiệm và khả năng quản lý.” Carnegie chỉ quyên góp một phần rất nhỏ trong khối tài sản của mình, tên của ông cũng được ghi trên các khoản tài trợ ấy. Thế nhưng, bài luận của ông vẫn khiến Feeney cảm động sâu sắc.

“Cho đi ngày hôm nay, bạn sẽ thấy được kết quả,” Feeney nói. “Cho đi khi đã chết, bạn sẽ chẳng cảm nhận được gì.” Với triết lý này, Feeney quyết tâm đóng góp một chút tài sản của mình vào quỹ từ thiện ông thành lập năm 1982. Ban đầu, số tiền xấp xỉ từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD. Sau khi bán cổ phiếu của mình tại DFS, ông đã tặng thêm 1,6 tỷ USD vào quỹ này vào năm 1996.


Cho đi gia tài cả đời ở tuổi 85, vị tỷ phú dũng cảm này là lý do khiến Bill Gates làm từ thiện: Dùng tiền giúp người, đó mới là đỉnh cao của sự mãn nguyện! - Ảnh 3.

“James Bond của giới từ thiện”

Sau khi Quỹ từ thiện Atlantic được thành lập, một trong những khoản quyên tặng đầu tiên của Feeney là dành cho Đại học Cornell - nơi ông từng theo học. Là một người Mỹ gốc Ireland, lại sinh ra trong giai đoạn Đại khủng hoảng, Feeney trở thành người đầu tiên trong gia đình được học đại học. Ông đã từng phục vụ trong quân ngũ vào thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên. Sau đó, ông được đi học ngành Trường Quản trị Khách sạn Cornell theo chương trình GI Bill dành cho cựu binh trở về.

Tin rằng mình sẽ chẳng thể thành công nếu không được trao cơ hội này, ban đầu Feeney chủ yếu tài trợ cho chương trình giáo dục phổ thông. Không chỉ Cornell, ông còn quyên góp cho rất nhiều trường đại học ở Ireland - quê hương thứ hai của ông. Qua thời gian, Feeney đã làm thay đổi hoàn toàn lĩnh vực giáo dục của quốc gia này.

Feeney được mệnh danh là “James Bond của giới từ thiện” bởi ông thường quyên tiền ẩn danh. Nếu danh tính của ông bị lộ, bên hưởng lợi sẽ mất đi quyền nhận khoản đóng góp. Hành động này giúp ông có cái nhìn toàn cảnh về những dự án hỗ trợ tiềm năng và phòng tránh được những yêu cầu đóng góp.

Khi số tiền Feeney cho đi ngày một gia tăng, đã đến lúc mọi người cần biết ai đứng sau những khoản đóng góp đó. Tuy nhiên, điều này lại cho phép ông tham gia tích cực hơn vào các dự án do mình lựa chọn. Feeney có thể học hỏi được nhiều điều và phát triển phương pháp tiếp cận của mình để đạt hiệu quả lớn hơn.


Cho đi gia tài cả đời ở tuổi 85, vị tỷ phú dũng cảm này là lý do khiến Bill Gates làm từ thiện: Dùng tiền giúp người, đó mới là đỉnh cao của sự mãn nguyện! - Ảnh 4.

Tỷ phú Fleeney - người sáng lập Quỹ từ thiện Atlantic - và ông Christopher G Oechsli - chủ tịch kiêm CEO của Quỹ từ thiện Atlantic.

Giúp đỡ con người mới là lẽ sống ở đời

Feeney thường quyên góp cho những tổ chức mà ông có mối liên hệ sâu sắc, hoặc vì những lý do mà ông cảm thấy đặc biệt xứng đáng. Ông đã từng tài trợ cho nhiều dự án ở Việt Nam - nơi nỗi đau chiến tranh do Mỹ gây ra vẫn còn in hằn dấu vết. Ông cũng quyên tiền cho hoạt động ở Cuba - nơi phải chịu lệnh cấm vận từ Mỹ.

Feeney làm từ thiện ở khắp mọi nơi, từ Australia, Bermuda cho đến Cuba, Nam Phi. Ông làm tài trợ cho mọi lĩnh vực, từ giáo dục đại học, chăm sóc sức khỏe, cho đến sức khỏe dân số, nhân quyền, hàn gắn chiến tranh. Dù lý do là gì, mục đích của việc từ thiện vẫn là tăng cường cơ hội và cải thiện cuộc sống của những người kém may mắn và chịu nhiều tổn thương. “Hãy sử dụng tiền của bạn để giúp đỡ mọi người,” Feeney khuyên. “Con người vẫn luôn luôn là điều quan trọng nhất.”

Feeney chưa từng khoe khoang về công tác từ thiện của mình. Đơn giản là, ông chỉ làm những gì mình tin tưởng. “Tôi không ở đây để dạy ai cách sử dụng đồng tiền của mình. Bạn làm ra tiền, bạn muốn làm gì với nó cũng được. Nhưng tôi tin rằng, sự mãn nguyện có được từ việc giúp đỡ mọi người là cảm xúc mà bạn không bao giờ có thể tìm thấy ở đâu khác,” Feeney khẳng định.

Hành động của vị tỷ phú 85 tuổi này không chỉ tạo ra một cuộc cách mạng trong công tác từ thiện, mà còn khơi gợi cảm hứng cho nhiều người khác, trong đó có Bill Gates. Vị cựu CEO của Microsoft đã thành lập Giving Pledge - một tổ chức cho những người giàu có đóng góp phần lớn tài sản của mình cho hoạt động từ thiện.


Cho đi gia tài cả đời ở tuổi 85, vị tỷ phú dũng cảm này là lý do khiến Bill Gates làm từ thiện: Dùng tiền giúp người, đó mới là đỉnh cao của sự mãn nguyện! - Ảnh 5.

Tượng đài lớn với trái tim nhân hậu

Triết lý của Feeney chính là nguồn cảm hứng để Bill Gates thành lập Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates. Cũng giống như quỹ của Feeney, tổ chức này tiếp thu tư tưởng về “cuộc sống hữu hạn” mà Quỹ Atlantic đã theo đuổi từ năm 1999, quyết tâm quyên tặng toàn bộ tài sản vì mục đích nhân đạo.

“Chuck là một tấm gương lớn,” Bill Gates nhận xét. “Đó là một câu chuyện tràn đầy cảm hứng. Khi Microsoft đang ở trên đỉnh cao, tôi bắt đầu nghĩ về việc làm sao để đóng góp tiền bạc cho xã hội.” Ông đi theo bước chân của Feeney, với mong muốn biến thế giới này trở nên tốt đẹp hơn trong suốt phần đời còn lại của mình.

“Khi bạn ngồi xuống và nhìn xung quanh, bạn sẽ hỏi: Tại sao không làm nhiều việc tốt khi mà thế giới đang rất cần chúng?”, Feeney cho biết. Đó chính là điều mà bất kỳ người giàu nào cũng nên tự hỏi bản thân: Còn chờ đợi gì mà chưa giải quyết những vấn đề của hiện tại?

Ngọc Hà

Tatler

Trở lên trên