MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chờ đợi quyết định đầu tư công

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam nếu sớm được triển khai như kế hoạch sẽ tạo dấu ấn đáng kể trong đầu tư công các công trình giao thông quy mô lớn của Chính phủ và ngành Giao thông. Nhất là khi, 2020 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Dù Chính phủ rất quyết tâm nhưng thực tế cho thấy, tình hình khá ngổn ngang, tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam mới đạt 70%, chậm so với tiến độ yêu cầu. Đất dân đang ở cũng như đất dành cho tái định cư chưa xây dựng đang đặt dự án vào thử thách rất lớn, nhất là khi chỉ ít ngày tới Quốc hội sẽ xem xét thông qua.

Đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc sẽ góp phần gia tăng kết nối đầu tư, phát triển kinh tế, gián tiếp tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của nền kinh tế và tăng trưởng GDP. Vì vậy, đầu tư các tuyến cao tốc là việc mà bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn thực hiện sớm. Hạ tầng đi trước sẽ kéo giao thương, kinh tế phát triển rất nhanh.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2019, còn hơn 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được giải ngân. Năm 2020, ngân sách dành cho đầu tư công tới hơn 700.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn so với tình hình kinh tế hiện nay.

Những dòng vốn này nếu được sớm bơm vào triển khai các đại dự án như đường cao tốc Bắc - Nam (vốn đầu tư công 55.000 tỷ đồng), sân bay Long Thành (23.000 tỷ đồng); đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận (Cần Thơ)…. sẽ tác động lan tỏa quan trọng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, cùng với những lợi ích thấy rõ mà Chính phủ đã trình trong hồ sơ, Quốc hội sẽ bàn luận và cân nhắc ra quyết định cuối cùng liên quan đến dự án cao tốc Bắc – Nam. Hiệu quả triển khai dự án và gánh nặng nợ quốc gia khi ngân sách phải huy động một số tiền lớn trong nhiều năm để triển khai, đồng thời bơm cho nhiều dự án ngốn hàng nghìn tỷ đồng khác của ngành giao thông sẽ phải được đặt lên bàn cân.

Phải cân nhắc kỹ lưỡng là hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào những dự án hàng chục nghìn tỷ đang “đắp chiếu” của ngành Giao thông, điển hình như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.

Cũng có một thực tế khác, theo Bộ GTVT, đánh giá việc triển khai 26 dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT cho thấy: Những dự án có quy mô vốn dưới 1.500 tỷ đồng triển khai tương đối thành công. Còn những dự án có tổng mức đầu tư lớn hơn 1.500 tỷ đồng hầu như không thể hoàn vốn nếu chỉ dựa vào thu phí.

Vì vậy, với dự án cần vốn tới gần 100.000 tỷ đồng đầu tư sẽ được quản lý thế nào khi triển khai? Nếu đấu thầu thì đầu tư có thể chậm và cũng có thể có nguy cơ dự án lại rơi vào tay của những nhà thầu ngoại quen bỏ thầu giá rẻ, trì hoãn thi công, bán phần dự án cho thầu phụ… thì có thể sẽ làm lỡ nhiều cơ hội trong đầu tư.

Dẫu sao chuyển sang đầu tư công dự án cao tốc Bắc – Nam để vừa tận dụng cơ hội qua đỉnh dịch covid -19 vừa thúc đẩy kinh tế, từ đó kéo theo các lĩnh vực sản xuất khác cùng phát triển, làm hồi sinh nhanh hơn nền kinh tế… là mong chờ của không chỉ doanh nghiệp mà cả người lao động và nhân dân.

Theo Pham Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên