MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho gia hạn nhập khẩu, buôn bán thuốc nguy hiểm, Bộ Nông nghiệp nói gì?

04-03-2017 - 09:30 AM | Thị trường

Rất nhiều tranh cãi khi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã loại bỏ hai chất nguy hiểm 2,4D và Paraqat khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn gia hạn 1-2 năm cho phép tiếp tục sản xuất, nhập khẩu, buôn bán các chất này.

Ngày 8/2/2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký, ban hành Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất 2.4 D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Lý do loại bỏ vì các hoạt chất này gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi. Việc loại bỏ thuốc chứa hoạt chất độc hại nhằm giúp nông dân tránh các nguy cơ nhiễm bệnh.

Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo và nghiên cứu ở nhiều nước và đã kết luận hoạt chất 2.4 D và Paraquat có khả năng gây một số bệnh cho động vật và con người như: 2.4 D rất độc với mắt (xếp loại độ độc 1 đối với mắt), có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào máu trắng, do đó làm tăng nguy cơ gây ung thư bạch huyết ở người, sử dụng lâu dài gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nội tiết và hệ miễn dịch.

Trong các thuốc trừ cỏ chứa 2.4 D đều có một lượng chất Chlorophenol không được tổng hợp hết gọi là phenol tự do. Chlorophenol có nhiều ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người và môi trường sống do trong tự nhiên, Chlorophenol tồn tại tương đối lâu và có thể chuyển hóa thành chất Dioxin, có khả năng kích thích tế bào ung thư phát triển, gây đột biến tế bào và dị dạng cơ thể người và động vật máu nóng.

Paraquat có khả gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng phổi, thận, tim, bị phơi nhiễm trực tiếp Paraquat qua đường da, đường hô hấp trên hay đường miệng đều có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong mà không có thuốc giải độc. Đến thời điểm hiện tại, trên thế giới, Paraquat đã bị cấm sử dụng tại 32 quốc gia.

Dù đã công nhận thuốc BVTV có chứa hoạt chất 2.4 D và Paraquat là độc hại nhưng Bộ NN&PTNT vẫn gia hạn 1-2 năm cho việc tiếp tục sản xuất, nhập khẩu, buôn bán các chất này.

Giải thích việc này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, theo quy định của Luật BVTV và Thông tư 21 về Quản lý thuốc BVTV đã quy định rõ, khi loại bỏ một loại thuốc hoặc một hoạt chất ra khỏi danh mục thì cho phép các doanh nghiệp 1 năm nhập khẩu và 2 năm buôn bán các chất này. Ngay cả thông lệ quốc tế họ cũng quy định như vậy.

“Khi thay đổi chính sách, cần có độ trễ để doanh nghiệp thích ứng với các quy định mới, không gây phương hại lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với nước ngoài nên phải cho họ hoàn tất. Doanh nghiệp cần có thời gian để chuyển sang các loại thuốc khác phù hợp”, ông Trung cho hay.

Theo ông Trung, khi loại bỏ các hoạt chất này, Bộ NN&PTNT đã có lộ trình cụ thể, kiểm tra kiểm soát và giải pháp thay thế.

Ông Trung cũng khẳng định, có thể kiểm soát được việc loại bỏ các hoạt chất này bởi lượng thuốc trừ cỏ nói chung và hai hoạt chất nói riêng được cơ quan quản lý nắm rõ. Các địa phương có thể làm tốt, kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng trong hai năm nữa.

“Số lượng thuốc tồn đọng trên thị trường sẽ phải xử lý hết. Khi kiểm soát đầu vào thì chúng ta sẽ kiểm soát được ngay”, ông Trung khẳng định.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Mặc dù Luật quy định gia hạn 1-2 năm cho việc tiếp tục sản xuất, nhập khẩu, buôn bán các chất này nhưng phải đảm bảo rút ngắn thời gian. Cục BVTV phải công bố với các doanh nghiệp, chỉ cho nhập lô hàng đã ký hợp đồng, không ký hợp đồng mới. Bên cạnh đó, vận động, tuyên truyền bà con dần dần không sử dụng các hoạt chất này.

“Bộ sẽ sửa các quy định để rút ngắn thời gian, ví dụ như Thông tư 21 của Bộ, Bộ có thể sửa. Không để xảy ra tình trạng, cho gia hạn một năm nhập khẩu nên doanh nghiệp lại đi ký thêm hợp đồng mới”, Thứ trưởng Tuấn nói.

“Không có chuyện Bộ dung túng cho doanh nghiệp hay tự dưng đẻ ra những cái thời hạn như vậy”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo PV

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên