MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho "lục địa đen" vay những khoản tiền khổng lồ, Trung Quốc tự đưa mình vào thế khó?

22-12-2022 - 10:59 AM | Tài chính quốc tế

Ảnh minh họa: Ngoại trưởng Djibouti Mahamoud Ali Youssouf và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Nguồn: Reuters.

Ảnh minh họa: Ngoại trưởng Djibouti Mahamoud Ali Youssouf và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Nguồn: Reuters.

Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) nhận định rằng Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan ở châu Phi.

Japan Times đưa tin, các nhà nghiên cứu tại Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) cho biết các khoản vay khổng lồ của Trung Quốc dành cho châu Phi đã đẩy Bắc Kinh vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan - khi Trung Quốc vừa phải cố gắng lấy lại tiền, vừa phải duy trì hình ảnh là một người bạn thân thiện với các quốc gia đang phát triển.

Trong vòng 20 năm (2000-2020), nợ công của châu Phi đã tăng gấp 5 lần lên 696 tỉ USD, và khoản vay Trung Quốc chiếm 12% trong số tiền này, theo báo cáo mới của Chatham House.

Mặc dù Mỹ và các nước phương Tây cho rằng các khoản vay của Trung Quốc là không rõ ràng và có thể đi kèm những điều kiện bất lợi đối với châu Phi, nhưng các nhà nghiên cứu của Chatham House lại có ý kiến khác.

Theo các nhà nghiên cứu này: "Thay vì một chiến lược tinh vi nhắm đến những tài sản của châu Phi, thì thực tế việc Trung Quốc cho vay một cách 'phung phí' trong giai đoạn đầu có thể đã tạo ra một chiếc bẫy nợ cho chính Trung Quốc. Theo đó, [những khoản vay này] khiến Trung Quốc vướng sâu vào các đối tác châu Phi cứng rắn và ngày càng quyết đoán hơn."

Chẳng hạn, Trung Quốc là một chủ nợ lớn của Zambia, một quốc gia đã vỡ nợ. Trung Quốc cũng là chủ nợ của những quốc gia khác đang gặp khó khăn trong việc trả nợ, bao gồm Angola, Ethiopia Kenya và Cộng hòa Congo.

Suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 và xung đột quân sự Nga-Ukraine đã khiến nhiều quốc gia châu Phi càng gặp khó khăn về tài chính và khó trả nợ hơn nữa.

Theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), "lục địa đen" đang dần lún sâu vào khủng hoảng nợ - khi có đến 22/54 nước châu Phi đã có nguy cơ này.

Những quốc gia châu Phi nợ Trung Quốc nhiều nhất là Angola (42,6 tỉ USD), Ethiopia (13,7 tỉ USD), Zambia (9,8 tỉ USD), Kenya (9,2 tỷ USD).

Cho lục địa đen vay những khoản tiền khổng lồ, Trung Quốc tự đưa mình vào thế khó? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thực tế, theo các nhà nghiên cứu của Chatham House, trong những năm gần đây các tổ chức của Trung Quốc đã siết tín dụng dành cho châu Phi do lo ngại về việc nhiều quốc gia không có khả năng trả nợ.

Theo Chatham House, các khoản vay mới của Trung Quốc dành cho các nước châu Phi đã giảm từ mức cao nhất vào năm 2016 là 28,4 tỉ USD xuống còn 8,2 tỉ USD vào năm 2019, và chỉ còn 1,9 tỉ USD trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 tác động đến kinh tế toàn cầu.

"Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận linh hoạt khi cho châu Phi vay tiền. Xu hướng cho vay của Trung Quốc ở châu Phi đang chuyển dịch từ mô hình dựa vào tài nguyên sang hoạt động kinh doanh có tính toán hơn, hoặc ra quyết định địa chiến lược", các nhà nghiên cứu nhận định. "Đây là câu trả lời cho khủng hoảng nợ ở châu Phi và vai trò của Trung Quốc".

Từ năm 2012 đến năm 2020, Trung Quốc đã đầu tư và cho Djibouti - quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội hàng năm chỉ bằng khoảng hai giờ sản lượng kinh tế của Trung Quốc - vay 1,4 tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trung Quốc cũng đã thiết lập một tiền đồn quân sự cách căn cứ của Mỹ ở Djibouti chỉ chưa đến 10km, nằm trên Bab-el-Mandeb, một eo biển hẹp mà khoảng 30% vận tải biển toàn cầu đi qua trên đường đến Biển Đỏ và Kênh đào Suez.

Các nhà nghiên cứu của Chatham House bình luận rằng: "Mặc dù Djibouti đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, nhưng quốc gia này có ý nghĩa quan trọng [về địa chính trị] đối với Trung Quốc, nên Bắc Kinh không thể để nước này vỡ nợ."

Theo các nhà nghiên cứu, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan - giữa việc thu hồi các khoản vay hoặc thực hiện một cách tiếp cận dễ dãi hơn để duy trì các mối quan hệ chính trị của mình.

Mặc dù ban đầu Trung Quốc định giải quyết các vấn đề ở cấp độ song phương, nhưng họ ngày càng tham gia nhiều hơn vào các cuộc đàm phán đa phương và sẽ cần tiếp tục làm như vậy nếu muốn có cơ hội tốt nhất để có thể thu hồi khoản vay.

Chatham House bình luận: "Cuối cùng, Trung Quốc có thể sẽ cảm thấy họ cần phải quyết liệt hơn thông qua các hành động đơn phương.

Điều này sẽ đặc biệt bất lợi nếu Trung Quốc dùng đến việc chiếm đoạt các tài sản quan trọng như cảng, đường sắt hoặc mạng lưới điện để cấn trừ nợ của các nước châu Phi - tầm nhìn 'ngoại giao bẫy nợ' không phải là không thể, nhưng cái giá về địa chiến lược của nó sẽ không hề nhỏ."

Hồng Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên