Cho thuê nhà gần 4 năm không đủ bù lỗ 8 tháng
Từ người kinh doanh nhỏ lẻ đến người làm khách sạn, dịch vụ lưu trú chuyên nghiệp đều liên tục gặp khó.
- 29-08-2020Kinh doanh ế ẩm, chủ nhà phố cổ lần đầu "xuống nước" giảm giá thuê
- 12-08-2020Giá thuê nhà tại Tp.HCM giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
- 30-07-2020Thắt chặt chi tiêu khiến giá thuê nhà phố rớt thảm
Từ đầu năm tới nay, anh Nguyễn Duy Thanh (33 tuổi, Hà Nội) nhiều lần nghĩ đến việc ngừng hẳn mảng cho thuê căn hộ theo mô hình homestay bởi không đủ chi phí trang trải. Anh Thanh làm trong lĩnh vực tài chính, bắt đầu làm dịch vụ lưu trú từ giữa năm 2016 qua hình thức đi thuê lại các căn hộ chung cư cao cấp rồi chỉnh trang, cho khách thuê lại như một nghề tay trái. Đối tượng khách hàng mà anh hướng đến là khách du lịch, các chuyên gia nước ngoài có nhu cầu ở lại Việt Nam trên 1 tháng.
Thời gian đầu, anh Thanh thuê 3 căn hộ để kinh doanh theo hình thức này. Sau này, khi nhận thấy mô hình hoạt động hiệu quả, anh bắt đầu nhân rộng lên thành 5 rồi 8 và hiện tại là 12 căn hộ tại Hà Nội. Mức giá mỗi căn anh thuê lại trung bình là khoảng 20-28 triệu đồng/tháng. Năm đầu tiên vì mới gia nhập thị trường, chưa có kinh nghiệm nên tình hình kinh doanh không mấy thuận lợi. Tuy nhiên, từ cuối 2017 đến 2019, hoạt động kinh doanh khá ổn định, cùng với việc đã có khách quen, lại kết nối được với nhiều đơn vị lữ hành, trung bình mỗi căn hộ có thể mang lại cho anh mức lợi nhuận 10-12 triệu đồng.
Người kinh doanh dịch vụ lưu trú trong năm nay liên tục gặp khó. Ảnh: Batdongsan.com.vn |
Anh Thanh tính toán trong gần 4 năm làm dịch vụ, trừ các khoản thuê nhà, phí dịch vụ, phí hợp tác với đơn vị lữ hành… anh lãi gần 600 triệu đồng. Anh dự tính sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình kinh doanh này vào tháng 5 năm nay, tuy nhiên, dịch Covid-19 làm anh thay đổi hoàn toàn kế hoạch.
“Trong tháng 1, đầu tháng 2, lúc bắt đầu xuất hiện dịch, tôi vẫn có khách thuê do có một nhóm du khách nước ngoài ở lại Việt Nam đón Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2, khách liên tục trả phòng, thậm chí có người hủy phòng đã đặt từ trước đó. Từ đó đến hết tháng 4, 10/11 căn hộ của tôi đóng cửa. Trong khi hợp đồng giữa tôi với chủ nhà vẫn có hiệu lực, tức là hàng tháng tôi vẫn phải trả hàng trăm triệu tiền nhà mà không hề có nguồn thu nào. Rất ám ảnh”, anh Thanh kể.
“Đến lúc Việt Nam kiểm soát được dịch, tôi bắt đầu hạ giá thuê nhà và cho khách trong nước thuê với thời hạn ngắn hơn, không nhất thiết là 1 tháng nữa. Lúc này, tuy không có lãi, nhưng cơ bản vẫn đủ để tôi trang trải tiền thuê nhà. Không ngờ dịch lại quay lại một lần nữa. Đến lúc này, thực sự tôi rất khó trụ lại trong mảng. Tính ra làm gần 4 năm không đủ bù lỗ 8 tháng ”, người đàn ông 33 tuổi kể.
Anh Thanh cho hay anh không phải là trường hợp hy hữu. Anh có một nhóm người quen cùng làm mảng này, phần lớn đều gặp khó trong năm nay, không ít người may mắn đã thanh lý được hợp đồng thuê nhà, còn lại đều phải bù lỗ.
Bức tranh ảm đạm của dịch vụ lưu trú
Chưa cần nhắc đến các dịch vụ lưu trú chuyên về du lịch như khách sạn biển, vốn phục vụ khách du lịch trong nước và nước ngoài, mà các loại hình lưu trú thông thường như khách sạn từ bình dân đến cao cấp, căn hộ dịch vụ hay các mô hình nhà nghỉ, homestay ở các thành phố lớn… đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh về nguồn cầu từ đầu năm đến nay.
Tại phố cổ Hà Nội, khách sạn đóng cửa hàng loạt, một số khách sạn cũng phải tung chính sách giảm giá sâu. Ảnh: L.Tùng. |
Nửa đầu năm 2020, du khách tới Hà Nội giảm 65,4% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 4,93 triệu lượt, trong đó có 987.000 lượt khách quốc tế và 3,95 triệu khách nội địa. Lượng khách du lịch trong quý II đạt 1,08 triệu lượt, gồm 31.000 lượt khách quốc tế và 1,06 triệu lượt khách nội địa.
Do du lịch quốc tế đóng cửa, khách du lịch tới Hà Nội hầu hết là khách nội địa. Trong tháng 4, có 35.500 lượt khách tới Hà Nội, trong tháng 5 và tháng 6 lần lượt là 258.000 lượt và 792.000 lượt.
Ở Hà Nội, khu vực phố cổ, hàng loạt khách sạn treo biển đóng cửa, tạm dừng hoạt động, thậm chí bán lại tài sản. Phần lớn các chủ khách sạn đều cho biết do không có khách thuê dù liên tục áp dụng các biện pháp giảm giá thuê, tặng voucher... vẫn lỗ nặng nên phải tạm ngưng hoặc giải thể khách sạn trong mùa dịch.
Ngoài ra, hàng loạt khách sạn lớn, 5 sao như Hilton, Metropole, Deawoo, Pullman... đều đang giảm giá phòng khá mạnh để thu hút khách.
Chẳng hạn, Metropole (Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm) vốn được đánh giá là khách sạn hạng sang, có vị trí đắc địa. Giá thuê thường ở đây dao động từ 4,5 triệu đồng/đêm đến hơn 15 triệu đồng/đêm đối với những phòng thường nhưng nay đang áp dụng chính sách giảm giá trên 40% tiền phòng trên ứng dụng Agoda, giá phòng giảm thậm chí đã bao gồm bữa ăn sáng miễn phí, giảm giá spa.
|
Các khách sạn liên tục đưa ra hình thức giảm giá để hút khách thuê. Ảnh: Chụp màn hình |
Hay khách sạn Hilton Hanoi Opera (Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm) cũng đang giảm sâu giá phòng tới 80% trên ứng dụng đặt phòng.
Các dịch vụ bình dân khác như nhà nghỉ, homestay, căn hộ dịch vụ cũng chung màu ảm đạm. Trên nhiều diễn đàn về nhà đất, nhiều căn hộ dịch vụ, homestay liên tục giảm giá cho thuê hoặc sang nhượng nhà.
Chưa biết bao giờ mới hồi phục
Theo báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội 6 tháng đầu năm của Savills, cách ly xã hội cùng với việc đóng cửa du lịch quốc tế đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của thị trường khách sạn trong quý II. Công suất khách sạn 3-5 sao chỉ đạt 21%, giá phòng trung bình giảm 14% theo quý và giảm 24% theo năm, xuống còn 85 USD/phòng/đêm.
Bước sang quý III, hoạt động lưu trú được gặp khó do dịch quay trở lại. Không chỉ thiếu nguồn cung từ khách nước ngoài mà du lịch nội địa một lần nữa chững lại. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch hội Môi giới Việt Nam cho rằng lĩnh vực khách sạn tiếp tục là loại hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Chuyên gia này cũng nhìn nhận trong đợt tái bùng phát dịch, có thể sẽ có nhiều đơn vị kinh doanh phải đóng cửa hoặc áp dụng nhiều chính sách hơn nữa như giảm giá hoặc đãi ngộ… để “sống sót” qua mùa dịch.
Theo báo cáo về thị trường khách sạn mới đây của CBRE, sự hồi phục hoàn toàn của ngành dịch vụ lưu trú sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch của thế giới.
Ông Nguyễn Trọng Thức, Phó giám đốc CBRE Hotels Việt Nam, nhìn nhận thị trường khách sạn trong giai đoạn 2020-2021 được dự báo luôn ở trong tư thế phòng thủ, với tình hình hoạt động có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vaccine phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn.
Người đồng hành