MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chợ truyền thống ở Hà Nội đìu hiu, tiểu thương cả ngày bán được vài bộ quần áo

27-03-2024 - 07:16 AM | Thị trường

Vắng lặng, đìu hiu, nhiều kiot đóng cửa không hoạt động…là tình cảnh chung của nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, chợ Hôm. Vắng vẻ là vậy nhưng nhiều tiểu thương vẫn túc tắc bán hàng, với họ thật khó để tìm một công việc khác thay thế công việc hiện nay.

"Tôi ngồi từ sáng đến chiều, ngày nào may mắn thì bán được 2-3 sản phẩm. Chợ bây giờ người bán nhiều hơn người mua. Một ngày kiếm 100.000-200.000 thật khó khăn".

"Tiểu thương chúng tôi ngày nào cũng đến đây bày bán hàng và…nhìn nhau. Lướt điện thoại chán thì ngồi đánh bài để giết thời gian. Lúc nào mệt quá thì lăn ra ngủ. Chưa bao giờ hàng hóa ế ẩm như bây giờ. Bỏ bán hàng thì cũng không được nhưng tiếp tục thì nản quá. So với trước đây, lượng hàng bán ra giảm tới 80%".

Đó là chia sẻ của một số tiểu thương tại các chợ truyền thống ở Hà Nội.

Chợ truyền thống ở Hà Nội đìu hiu, tiểu thương cả ngày bán được vài bộ quần áo- Ảnh 1.

Chợ Nghĩa Tân luôn trong tình trạng đìu hiu, vắng khách

Không còn cảnh nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán, người mua, giờ đây, nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội như Cầu Giấy, Nghĩa Tân, chợ Hôm, chợ Ngã Tư Sở…luôn trong tình trạng đìu hiu, nhiều tiểu thương ngồi cả ngày chỉ bán được 1-2 món hàng, thậm chí có ngày chẳng có khách đến mua. Thực tế hiện nay, chợ truyền thống chỉ còn thu hút khách hàng tìm tới để mua thực phẩm, hoa quả trong ngày, còn các mặt hàng khác đều trong tình trạng ế ẩm.

Dạo một vòng khu chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, chợ Hôm…thì thấy, nhiều sạp hàng đóng cửa, căng bạt nghỉ bán. Tại những chợ này, các gian hàng gần như không có khách hoặc thi thoảng lác đác một vài khách vào hỏi mua. Hàng hóa chất đống, buôn bán ế ẩm, các tiểu thương ngồi tụm ba, tụm năm nói chuyện, người ngồi lướt điện thoại, xem phim, đọc báo, người thì ngả ghế nằm ngủ...

Chợ truyền thống ở Hà Nội đìu hiu, tiểu thương cả ngày bán được vài bộ quần áo- Ảnh 2.

Các sạp hàng trong chợ đóng cửa, nghỉ bán là tình trạng chung tại nhiều chợ truyền thống hiện nay

Có thâm niên bán hàng ở chợ Nghĩa Tân hơn 30 năm nay, bà Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương bán quần áo tại đây cho biết, 2 năm trở lại đây, chợ luôn trong tình trạng vắng vẻ, người bán có khi nhiều hơn người mua. “Cảnh khách hàng ra vào nườm nượp” trước đây giờ chỉ còn trong dĩ vãng, có ngày bà ngồi chơi từ sáng tới chiều.

Vừa lựa những bộ quần áo đẹp nhất treo ra ngoài để giới thiệu khách, bà Hồng vừa than thở: “Bán hàng tại chợ nhiều năm nay, chưa bao giờ tôi thấy hàng hóa ế ẩm đến như vậy. Hàng ngày 9h sáng, hai vợ chồng tôi đến chợ bày hàng lên kệ, ngày nào may mắn thì bán được 3-4 sản phẩm, có ngày 5h chiều mới có khách đến mở hàng, nhưng cũng có ngày không bán được sản phẩm nào. Tôi năm nay đã hơn 60 tuổi, không thể làm nghề gì khác nên cố gắng bám trụ, túc tắc tranh thủ bán. So với thời điểm trước đây, doanh thu sụt giảm tới 80%, cuộc sống khó khăn hơn ngày trước rất nhiều”.

2 năm trở lại đây, mỗi tháng thu nhập từ quầy bán quần áo của gia đình bà Hồng chỉ vỏn vẹn khoảng 5 triệu đồng. Thu nhập giảm mạnh nên sinh hoạt hàng ngày phải cắt giảm tối đa chi phí.

Chợ truyền thống ở Hà Nội đìu hiu, tiểu thương cả ngày bán được vài bộ quần áo- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho biết: “Bán hàng tại chợ nhiều năm nay, chưa bao giờ tôi thấy hàng hóa ế ẩm đến như vậy"

Tại quầy bán quần áo trẻ nhỏ, chị Bùi Thị Thúy cũng rảnh rỗi ngồi lướt điện thoại hàng giờ đồng hồ. Chị Thúy cho hay, cả ngày nay chị vẫn chưa bán được sản phẩm nào. Trước đây mỗi tuần chị nhập hàng 2 lần về bán nhưng bây giờ 3 tuần chị mới nhập về/lần. Hàng hóa tồn đọng rất nhiều, không có việc gì làm nên ngày nào chị cũng cần mẫn đến chợ bày bán hàng nhằm giải quyết nốt số hàng tồn đọng để nhập hàng mới về và thu hồi vốn, được đồng nào hay đồng ấy.

Tại các quầy bán thực phẩm, từ thịt cá, rau củ đến vải vóc…tình trạng cũng không khá hơn, khách đến mua hàng rất thưa thớt.

Tương tự, tại chợ Hôm, chợ Ngã Tư Sở, chợ Cầu Giấy cũng trong tình cảnh ế ẩm chưa từng thấy. Nếu như trước đây, chợ Ngã Tư Sở có khoảng 750 hộ kinh doanh thì hiện chỉ còn gần 200 hộ. Nhiều quầy hàng đóng cửa, cơ sở vật chất xuống cấp khiến khu chợ trở nên nhếch nhác, tiêu điều.

Phần lớn tiểu thương bán hàng tại các chợ truyền thống là người lớn tuổi, do vậy, việc chuyển đổi công việc hay tìm cho mình một phương án kinh doanh mới là điều ít người tính tới. Phần lớn họ duy trì việc bán hàng vừa là cho vui, vừa là có thêm chút thu nhập để “cầm cự” qua ngày.

Có “đất” để duy trì việc kinh doanh vẫn còn là điều may mắn của tiểu thương ở các chợ truyền thống.

Đáng buồn hơn, có những khu chợ có “thâm niên” hoạt động 30-40 năm nhưng bỗng dưng phải đóng cửa để dành cho việc thực hiện dự án, khiến nhiều tiểu thương rơi vào cảnh “bơ vơ” lo lắng, không biết làm gì để mưu sinh trong những ngày tới.

Cụ thể, mới đây, chợ Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đóng cửa để thực hiện Dự án xây dựng đường Tam Trinh. Hơn 300 tiểu thương đang hoạt động tại chợ nhận thông báo "khẩn cấp" phải dọn dẹp ra khỏi chợ để trả mặt bằng cho dự án, chợ Mai Động phải dừng hoạt động trước ngày 29/2/2024, sau khi đóng cửa chợ, hầu hết các tiểu thương không biết "đi đâu, về đâu".

Chợ truyền thống ở Hà Nội đìu hiu, tiểu thương cả ngày bán được vài bộ quần áo- Ảnh 4.

Các tiểu thương đã rời đi, chợ Mai Động hoang tàn, nhếch nhác và tràn ngập rác thải

Bà Nguyễn Thu Mai, một tiểu thương kinh doanh gần 30 năm ở chợ Mai Động cho biết, thông tin quy hoạch chợ đã được thông báo nhiều năm nay nên chỉ coi đây là chợ tạm nhưng khi đến ngày phải rời đi, bà cũng như các tiểu thương khác không khỏi buồn bã, tiếc nuối vì đã gắn bó với chợ từ rất lâu rồi. Bà Mai lo lắng, thời gian tới không biết sẽ làm gì để mưu sinh, tuổi đã cao, rất khó để tìm một công việc mới khác thay thế.

“Chúng tôi rất buồn và lo lắng vì không có chỗ để kinh doanh nữa, không biết những ngày tới sẽ làm gì để kiếm sống. Đi xa thì sức khỏe yếu. Chúng tôi ủng hộ chủ trương giải tỏa chợ để làm đường mới, nhưng mong muốn được quận bố trí cho tiểu thương 1 chợ cố định của quận để tiếp tục kinh doanh, ổn định cuộc sống lâu dài”, bà Mai nói.

Chợ truyền thống ở Hà Nội đìu hiu, tiểu thương cả ngày bán được vài bộ quần áo- Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thu Mai lo lắng, không biết tới đây sẽ làm công việc gì để mưu sinh

Các tiểu thương tại đây cho biết, theo kế hoạch sẽ chuyển ki-ốt về chợ Lĩnh Nam, tuy nhiên, đa số các tiểu thương đều không đồng ý do chợ Lĩnh Nam là chợ tư nhân không phải chợ truyền thống, xa với khu vực sinh sống và chợ cũng bỏ hoang, xuống cấp sau nhiều năm xây dựng. Đến thời điểm này, một số người đã thanh lý hết hàng và tìm kiếm công việc khác như làm lao công, trông trẻ thuê… Phần lớn tiểu thương khác vẫn trong trạng thái “mơ hồ”, chưa biết làm gì để mưu sinh trong những ngày tới.

Theo Chung Thủy

VOV

Trở lên trên