MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho vay ngoại tệ hỗ trợ xuất khẩu: Cửa mở kịp thời!

01-06-2016 - 09:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc mở lại hoạt động cho vay ngoại tệ đối với các nhà XK được đánh giá là kịp thời hỗ trợ DN nửa cuối năm 2016.

“Mở cờ trong bụng”

Sau 2 tháng ngưng cho vay, NHNN đã ban hành Thông tư 07/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ hôm nay 01/6/2016 cho phép các NHTM được cho vay USD ngắn hạn trở lại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) cần vốn để trang trải chi phí sản xuất, chế biến trong nước.

Chia sẻ niềm vui về việc các DN sẽ tiếp tục được các NHTM cho vay ngoại tệ để trang trải các chi phí sản xuất, chế biến, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến XK thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, quyết định mở lại cửa vay ngoại tệ cho khối DN XK là một quyết định đúng và kịp thời của NHNN. Bởi chỉ sau hai tháng khép lại nguồn vốn vay này, hàng loạt các DN đã tỏ ra lo lắng và tính toán đến chuyện cân đối lại các kế hoạch kinh doanh.

Riêng về ngành thủy sản XK, ông Hòe cho hay, hiện tại hội viên của Vasep có khoảng gần 300 DN, hàng năm đóng góp cho kim ngạch XK thủy sản khoảng 6-7 tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm 2015 vừa qua do khó khăn về thị trường cộng với sự biến động tỷ giá của các đồng tiền mạnh đã khiến cho các DN XK thủy sản giảm đáng kể lợi nhuận. Chi phí lãi vay và tỷ lệ vay vốn của hầu hết các DN đến thời điểm này đều ở mức cao.

“Thời điểm đầu tháng 4/2016, khi NHNN chính thức ngưng cho vay ngoại tệ, chúng tôi cũng đã có văn bản kiến nghị xem xét tiếp tục cho các DN vay vốn rẻ để trang trải chi phí sản xuất chế biến. Rất may là kiến nghị này đã được NHNN tháo gỡ cho cộng đồng DN” – ông Hòe nói.

Tương tự, ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho rằng việc cho phép các NHTM cho vay USD trở lại với các DN XK thời điểm này là hết sức cần thiết. Bởi những ngành hàng nông – thủy sản như lúa gạo, cà phê thì chi phí để thu mua, chế biến nguyên liệu XK rất lớn và quay vòng nhanh chóng.

Những năm gần đây, riêng trong ngành cà phê các DN lớn của nước ngoài đã gần như chiếm lĩnh phần lớn thị phần thu mua nguyên liệu. Họ tận dụng được nguồn vốn rẻ do vay từ các NH ngoại sau đó chuyển đổi sang tiền đồng để thu mua nguyên liệu trong nước. Vì thế các DN nội địa nếu không được vay USD sau đó chuyển sang tiền đồng để tiết giảm chi phí lãi thì hoàn toàn không thể cạnh tranh được ngay tại “sân nhà”.

Chưa lo căng thẳng ngoại tệ

Với việc mở lại cửa vay vốn ngoại tệ cho khối DN XK, một số ý kiến cho rằng khả năng các tháng cuối năm 2016 sẽ xảy ra tình trạng căng thẳng về nguồn cung USD. Bởi hiện nay lãi suất huy động USD được NHNN quy định ở mức 0%. Người dân nắm giữ ngoại tệ có xu hướng chuyển đổi sang tiền đồng khiến cho tỷ lệ huy động vốn ngoại tệ của các NHTM sụt giảm.

Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế mức ảnh hưởng làm gây căng thẳng đến nguồn cung ngoại tệ là không lớn. Bởi thực tế các DN XK được các NHTM cho vay vốn bản chất là các khách hàng có nguồn thu ngoại tệ ổn định. Ngân hàng chỉ ứng trước cho họ trên danh nghĩa là vay USD nhưng được giải ngân bằng tiền đồng để lấy vốn thu mua nguyên liệu, sản xuất, chế biến. Khi DN thu ngoại tệ về từ các đơn hàng XK thì nguồn vốn này được hoàn lại và quay vòng cho các đơn hàng tiếp theo.

Thực tế, trong suốt các năm vừa qua, với việc NHNN cam kết giữ vững biên độ biến động tỷ giá ở mức trên dưới 2%, hoạt động cho vay ngoại tệ với các DN XK diễn ra khá suôn sẻ ở hầu hết các NHTM. Cách thức cho vay ngắn hạn bằng USD sau đó đổi ra tiền đồng giúp nhiều DN hưởng lợi từ các đợt tỷ giá tăng trong các năm 2014-2015.

Hơn nữa, ghi nhận từ thị trường cho thấy rằng, hiện nay một số ngành hàng XK đang có cơ hội được hưởng lợi từ yếu tố tỷ giá của các đồng tiền mạnh. Cụ thể các đồng Euro và Yên Nhật đang có chiều hướng tăng giá so với đồng USD làm tăng sức mua tại các thị trường XK truyền thống. Các đồng Bath Thái Lan, Rupee Ấn Độ, Real Brazil, Ringgit Malaysia tăng giá so với USD, từ đó hỗ trợ giá gạo, cà phê, cao su, thủy sản. Việc này sẽ giúp cho các DN XK có cơ hội thu ngoại tệ lớn hơn so với các quý I và II/2016.

Ở góc độ vĩ mô, dữ liệu của Ngân hàng HSBC cho thấy rằng đến thời điểm hết quý I/2016 nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức khoảng 33,9 tỷ USD (tương đương 2,5 tháng nhập khẩu). Mức dự trữ này đã cải thiện so với con số 28,6 tỷ USD vào cuối năm 2015. Như vậy khả năng ứng phó với các căng thẳng cục bộ trên thị trường ngoại tệ của NHNN là khá rộng và hoàn toàn có thể chủ động. Do đó, những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung ngoại tệ khi các NH mở cửa cho vay USD với các DN XK cũng được hóa giải.

Theo Hà Minh

Thời Báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên