'Choáng' khi tiền điện nhảy vọt
Chỉ mới vào đầu cao điểm mùa nắng nhưng nhiều hộ dân ở TPHCM phát hoảng khi nhận hoá đơn tiền điện tăng gấp đôi, thậm chí hơn 3 lần so với những tháng trước.
- 01-05-2019EVN thanh tra 100% các hoá đơn tiền điện tăng cao
- 28-04-2019Ngành điện lên tiếng việc hóa đơn tiền điện tăng cao
- 26-04-2019EVN lý giải vì sao tiền điện tháng 4 tăng vọt
Bất ngờ với ... giấy báo
Nhiều ngày qua, người dân ở TPHCM liên tục than phiền về việc tiền điện đột ngột tăng cao nhiều lần, thậm chí tăng tiền triệu so với tháng trước. Anh Thiên Vũ (ngụ quận 9, TPHCM) cho biết, khi nhận được thông báo tiền điện tháng 4 tăng hơn nhiều lần so với tháng trước tôi rất choáng. Hỏi nhiều người khác thì cũng chung cảnh ngộ.
Theo anh Vũ, gia đình anh sử dụng 2 máy lạnh nên trung bình mỗi tháng đóng khoảng 1,2 triệu đồng tiền điện. Tuy nhiên, thông báo tiền điện tháng 4 vừa rồi tăng lên 2,6 triệu đồng trong khi mức sử dụng điện của gia đình gần như không thay đổi gì so với trước. “Biết là từ 20/3 giá điện được điều chỉnh tăng, tiền mình đóng cũng phải tăng lên nhưng không ngờ lại tăng chóng mặt như vậy. Tháng vừa rồi gia đình tôi không mua thêm thiết bị điện nào, máy lạnh vẫn sử dụng như bình thường mà không hiểu sao tiền điện lại đội sổ lên hơn gấp đôi như vậy”, anh Vũ thắc mắc.
Anh Lê Văn Hà (ngụ đường Lã Xuân Oai, quận 9, TPHCM) cho hay, tháng này tiền điện gia đình anh tăng gần 2 triệu đồng so với tháng trước. “Tháng vừa rồi thời tiết oi bức, nắng nóng hơn với tháng trước, gia đình tôi có sử dụng máy lạnh nhiều hơn một chút. Nghĩ là tiền điện cũng sẽ tăng thêm vài trăm ngàn thôi chứ ai nghĩ tăng gần 2 triệu đồng. Bình thường dao động khoảng 1,5-1,7 triệu, tháng này tăng lên 3,3 triệu đồng”, anh Hà cho hay.
Còn chị Nguyễn Minh Thy (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) cho hay, thời gian qua khu vực nhà chị ở thường xuyên bị cúp điện. Thế nhưng, tiền điện không những không giảm mà còn tăng gấp đôi, gấp ba so với những tháng trước. Lục lại sấp hóa đơn tiền điện từ cuối năm 2018 đến nay, chị Thy cho hay, trung bình mỗi tháng chị đóng khoảng 800 nghìn đồng tiền điện. Thế nhưng hóa đơn tiền điện tháng 4 lại tăng lên hơn 1,2 triệu đồng. “Hết xăng tăng đến điện tăng, cái gì cũng đua nhau tăng khiến mọi kế hoạch chi tiêu trong gia đình bị đảo lộn hết. Giờ cầm 500 nghìn ra chợ xoay đi xoay lại đã hết mà không hiểu vì sao. Đến cọng rau cũng tăng giá theo tiền điện, tiền xăng”, chị Thy nói.
Vì đâu?
Lý giải việc tiền điện tăng chóng mặt trong thời gian vừa qua, Tổng Cty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) cho rằng, có nhiều nguyên nhân như giá điện tăng lên 8,36% từ ngày 20/3, thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao…
Từ ngày 20/3, Bộ Công Thương có quyết định tăng giá điện, mức bình quân tăng 8,36% (từ 1.740,65 đồng/KWh lên 1.864,44 đồng/KWh). Mức giá sẽ tăng lũy tiến theo lượng điện tiêu thụ của mỗi gia đình. Vì vậy, tiêu thụ càng nhiều điện thì giá sẽ tăng cao và số tiền phải trả cho ngành điện cũng tăng lên nhiều so với trước.
Đại diện EVN HCMC, cho rằng, từ đầu tháng 3, thời tiết khu vực TPHCM nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện của các hộ gia đình cũng tăng cao so với tháng 2. Bên cạnh đó, tháng 2 chỉ có 28 ngày lại có nhiều ngày nghỉ nên các doanh nghiệp sử dụng điện để sản xuất ít. Trong khi đó, tháng 3 có 31 ngày, doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn nên lượng điện tiêu thụ cũng tăng theo.
Theo thống kê, tính đến giữa tháng 4/2019, tổng sản lượng điện mỗi ngày của TPHCM đã tăng dần từ 71 triệu kWh/ngày đến hơn 86 triệu kWh/ngày. Công suất cực đại đạt trên 4.400 MW, tăng 6,44% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng điện tiêu thụ của thành phố trong tháng 3 và tháng 4 cũng tăng từ 25 - 50% so với tháng 2.
Từ ngày 20/3 giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh tăng hơn so với trước, được chia làm 6 bậc, với giá cao nhất là 2.927 đồng/KWh và thấp nhất là 1.678 đồng/KWh chưa bao gồm thuế VAT. Cụ thể, bậc 1 từ 0-50 KWh được tính giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng/KWh cho mức tiêu thụ 51-100 KWh. Bậc 3 giá 2.014 đồng/KWh cho mức tiêu thụ 101-200 kWh. Giá bậc 4 là 2.536 đồng/KWh cho 201-300 KWh. Bậc 5 có giá 2.834 đồng/KWh cho 301-400 KWh. Bậc 6 được tính 2.927 đồng/KWh cho 401 KWh trở lên.
Tiền phong