‘Choáng’ với tài làm xe điện của Trung Quốc: Chỉ mất 2 năm để làm được điều mà các đối thủ phương Tây cần tới 4 năm, thậm chí sắp tiêu chuẩn hóa toàn cầu
Trung Quốc làm xe điện nhanh nhất thế giới, đồng thời cũng bán được nhiều nhất thế giới.
- 03-03-2024Làn sóng bùng nổ xe điện tại Trung Đông đang diễn ra thế nào?
- 02-03-2024Đằng sau dự án xe điện dang dở của Apple: Từng có ý định mua lại Tesla, đổi kế hoạch liên tục, cả dự án 'đốt' 10 tỷ USD
- 01-03-2024Trong cái rủi có cái may: Apple từ bỏ làm xe điện nhưng nhà đầu tư vui như Tết, giấc mơ vận hành AI thông qua iPhone sắp thành hiện thực
Trung Quốc đang tăng tốc cuộc đua xe điện: Phát triển ô tô nhanh hơn, vượt qua ranh giới công nghệ thông minh và cho phép người tiêu dùng tiếp cận thêm nhiều sự lựa chọn. Theo các chuyên gia, đại lục đang phát triển nhanh hơn khoảng 30% so với các nhà sản xuất truyền thống, phần lớn nhờ sự đổi mới sau nhiều thập kỷ chế tạo ô tô động cơ đốt phức tạp.
Trung Quốc sẵn sàng thay thế các nhà cung cấp truyền thống bằng những nhà cung cấp nhỏ hơn, nhanh gọn hơn; chạy nhiều thử nghiệm ảo thay vì thử nghiệm cơ học tốn kém. Quốc gia này cũng đang xác định lại thời điểm một chiếc xe sẵn sàng được bán ra trên thị trường.
Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài công khai thừa nhận đang cố gắng bắt kịp và ngày càng cảnh giác với các đối thủ Trung Quốc. Sức mạnh cùng tham vọng của đại lục đang dấy lên nhiều lo ngại rằng những chiếc xe điện ‘Made in China’ giá rẻ không sớm thì muộn sẽ sớm ‘xâm chiếm’ Trái đất.
NIO, một trong những công ty khởi nghiệp xe điện đốt tiền nhiều nhất đại lục, chỉ mất chưa đầy 36 tháng kể từ khi bắt đầu dự án đến khi giao xe cho khách hàng. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất ô tô truyền thống mất tới 4 năm để ra mắt một sản phẩm. Lý do: NIO tạo ra những chiếc ô tô có công nghệ chip dự phòng, cho phép công ty thường xuyên bổ sung các tính năng mới thông qua bản cập nhật phần mềm.
“Bạn có thể giới thiệu công nghệ mới ra thị trường rất nhanh. Miễn đó là công nghệ đáng tin cậy thì cơ hội để bạn giành được thị phần sẽ lớn hơn nhiều”, Mark Chu, đại diện NIO cho biết.
Zeekr, một liên doanh xe điện của gã khổng lồ ô tô Geely, thì có thể phát triển xe chỉ trong vòng 24 tháng. Hãng nhanh chóng tung ra nhiều mẫu xe khác nhau, từ SUV, xe đa dụng đến hatchback. Tất cả đều chung cấu tạo sản xuất và kỹ thuật như các thương hiệu Geely khác như Polestar và Smart.
Được hỗ trợ bởi chính sách hào phóng của chính phủ, Trung Quốc hiện bán được nhiều xe điện nhất thế giới. Các nhà sản xuất ô tô tập trung chủ yếu vào khách hàng, nhấn mạnh phần mềm và công nghệ kỹ thuật số, từ chức năng hỗ trợ người lái đến giải trí trong xe.
Nhu cầu có phần sụt giảm đang thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc liên tục cập nhật và tung ra các mẫu xe mới. Theo hiệp hội xe khách nước này, những chiếc ô tô ra mắt năm ngoái đã đóng góp tới 90% tăng trưởng doanh số bán xe du lịch của Trung Quốc.
Công ty tư vấn AlixPartners cho biết các nhà sản xuất xe điện trong nước thiết lập bán 1 mẫu xe trong thời gian trung bình 1,3 năm trước khi chúng được cập nhật hoặc làm mới. Để so sánh, các thương hiệu nước ngoài dành ra tận 4,2 năm.
Nhiều hãng đang tìm cách học hỏi từ các đối thủ Trung Quốc. Tesla và Ford đều thừa nhận mối đe dọa lớn nhất trong tương lai đến từ đại lục.
Trong khi đó, Volkswagen đẩy mạnh hợp tác với các công ty Trung Quốc nhằm tăng tốc quy trình. Người đứng đầu cho biết công ty mất gần 4 năm để đưa sản phẩm mới ra thị trường, so với hơn 2 năm rưỡi của các nhà sản xuất địa phương.
Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, trong đó có Ford và Nissan, hiện đang tận dụng các nhà máy ở Trung Quốc. Quốc gia này đã vượt qua Nhật Bản và trở thành nước xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới vào năm 2023.
Ngoài đổi mới, các nhà sản xuất ô tô trong nước còn áp dụng và thúc đẩy các ý tưởng từ Tesla, chẳng hạn như tập trung nâng cấp tính năng của ô tô thông qua cập nhật phần mềm. Tesla đã bị BYD lật đổ vị trí hãng xe điện hàng đầu toàn cầu.
Theo WSJ, khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chuyển sang sản xuất xe điện thông minh chạy bằng phần mềm, họ sử dụng rất nhiều phần mềm mô phỏng tạo nguyên mẫu ảo, giúp các kỹ sư thử nghiệm với số lần lặp lại nhiều hơn và trong thời gian nhanh hơn. Zhu Ling, phó chủ tịch của Zeekr cho biết, hãng không cần phải đợi các bộ phận phần cứng hoàn thiện để phát triển phần mềm điều khiển hệ thống truyền động và lái xe hỗ trợ.
JiYue, thương hiệu xe điện được tạo ra bởi Geely và gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Baidu, có thể hoàn thành thiết kế sản phẩm trong 6 tháng, Giám đốc điều hành Joe Xia cho biết. Ông đến thăm xưởng thiết kế hầu như mỗi tuần, cùng với các nhân viên bán hàng, tiếp thị, sản xuất, phát triển sản phẩm và phần mềm.
“Mọi thay đổi về tính năng thiết kế đều phải được hiểu bởi tất cả mọi người để họ có thể thực hiện những thay đổi phù hợp”.
Christoph Weber, tổng giám đốc Trung Quốc của AutoForm, một công ty Thụy Sĩ chuyên sản xuất phần mềm mô phỏng cho sản xuất ô tô, cho biết các nhà sản xuất ô tô Đức và Nhật Bản có các tiêu chuẩn và hướng dẫn rõ ràng ứng với từng quy trình, song đây là rào cản đối với việc đẩy nhanh tốc độ.
Trung Quốc đang ngày càng tiêu chuẩn hóa các mẫu xe để cắt giảm thời gian sản xuất. Ngoài nền tảng cơ khí truyền thống, họ tiêu chuẩn hóa mọi thứ, từ phần mềm đến hệ điều hành phương tiện kỹ thuật số mà các nhà điều hành ví như ‘trung tâm thần kinh’ của ô tô thông minh.
Chẳng hạn, Xpeng hồi năm ngoái đã giới thiệu SEPA2.0 kết hợp các tính năng bao gồm hệ điều hành, phần mềm hỗ trợ người lái và thiết kế bộ pin sao cho có thể sử dụng trên tất cả các mẫu xe. Chu kỳ nghiên cứu và phát triển được rút ngắn khoảng 20%.
Theo: WSJ, Bloomberg
An ninh tiền tệ