Chọn cổ phiếu nào để giảm xóc khi thị trường rung lắc mạnh?
Trong bối cảnh thị trường có nhiều phiên xóc nảy dữ dội, nhất là khi đại dịch tiếp tục diễn biến khó lường, để tự tạo cơ chế giảm xóc, các nhà đầu tư cần cân bằng danh mục với những cổ phiếu an toàn hơn và nhóm công nghệ được xem là lựa chọn sáng.
"Cá mập" chuộng cổ phiếu công nghệ
Một khảo sát được thực hiện gần đây bởi E-Trade Financial (doanh nghiệp cung cấp nền tảng giao dịch trực tuyến thuộc Morgan Stanley) với các nhà đầu tư sở hữu tài khoản chứng khoán ít nhất 1 triệu USD cho thấy, 46% nhà đầu tư tham gia khảo sát đánh giá nhóm cổ phiếu công nghệ sẽ dẫn đầu đà tăng trong quý III/2021 và trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh giới đầu tư phải "tập làm quen" với những phiên giao dịch mà chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 900 điểm ngay trong phiên, hay chỉ số Nasdaq, S&P 500 lao dốc thẳng đứng, nhóm "cá mập" trên thị trường bày tỏ, cổ phiếu công nghệ có thể trở thành điểm tựa an toàn trong danh mục.
"Tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu công nghệ luôn xuất hiện trong tâm trí nhà đầu tư như ánh nắng vào những ngày mưa gió. Nhiều người phân vân về câu chuyện P/E (hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) của nhóm này thường ở mức cao, nhưng thực tế cho thấy, công ty công nghệ đã tăng trưởng tích cực và ngày càng có nhiều doanh nghiệp vượt qua cả chu kỳ tăng trưởng thông thường", Mike Loewengart, giám đốc chiến lược đầu tư tại E-Trade Financial cho biết.
Có 2 lý do chính khiến cổ phiếu công nghệ được ưu ái. Thứ nhất, lĩnh vực công nghệ luôn chứa đựng các câu chuyện tăng trưởng vượt bậc. Các xu hướng như 5G, điện toán đám mây (Cloud computing)), trí thông minh nhân tạo (AI), xe tự lái, thương mại điện tử, mạng xã hội và thực tế ảo… tạo nền tảng để doanh nghiệp công nghệ có những bước tiến dài hạn. Những tên tuổi như Amazon – công ty thương mại điện tử và điện toán đám mây hàng đầu thế giới, Salesforce – doanh nghiệp tiên phong trong các giải pháp quản trị quan hệ khách hàng trên nền tảng đám mây, Taiwan Semiconductor Manufacturing – nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới… luôn đi kèm với hành trình phát triển đầy cảm hứng.
Thứ hai, nhóm các cổ phiếu công nghệ thường có diễn biến tăng giá vượt trội so với thị trường chung trong ít nhất 5 năm qua.
% tăng trưởng của chỉ số S&P 500 và một số cổ phiếu công nghệ trong cùng giai đoạn
Số liệu trong quá khứ không thể bảo đảm cho tương lai, nhưng có nhiều lý do để giới đầu tư tin rằng, nhóm cổ phiếu công nghệ sẽ tiếp tục "vượt mặt" thị trường chung, nhất là khi nhu cầu với mọi sản phẩm – dịch vụ công nghệ thông tin gia tăng trong dài hạn.
Chẳng hạn, theo MSR Group, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) của thị trường điện toán đám mây toàn cầu có thể đạt 27,9% trong giai đoạn 2020 – 2025. Hay thị trường thanh toán điện tử có CAGR đạt 23,7% giai đoạn 2020 – 2027, theo Fortune Business Insights.
Nhóm cổ phiếu công nghệ tại thị trường Việt
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ có một số ít cổ phiếu công nghệ với các tên tuổi gồm CTCP FPT (HOSE: FPT), CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG), CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone (UPCOM: MFS), CTCP Truyền thông VMG (UPCOM: ABC), CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG), CTCP Clever Group (HOSE: ADG), CTCP Viễn thông - Tin học Bưu điện (HOSE: ICT)…
Trong khối công nghệ, FPT vẫn là "anh cả" nhiều năm qua, với cổ phiếu nằm trong rổ VN30, vốn hoá thị trường hơn 83.000 tỷ đồng tính tới phiên giao dịch 24/8/2021. Nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng, giá cổ phiếu FPT cũng leo dốc gần 70% kể từ đầu năm tới nay, dẫn đầu đà tăng so với nhóm cổ phiếu công nghệ, cũng như chỉ số VN-Index.
Diễn biến chỉ số VN-Index và một số cổ phiếu công nghệ kể từ đầu năm tới nay
Ngoại trừ cổ phiếu YEG của Yeah1 giảm mạnh vì doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, các cổ phiếu công nghệ khác trên thì trường vẫn đang leo dốc kể từ đầu năm tới nay và kết quả kinh doanh cũng khá tích cực, nhất là trong bối cảnh đại dịch. Chẳng hạn, luỹ kế từ 1/4/2021 – 30/6/2021, CMG ghi nhận doanh thu 1.300,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 73 tỷ đồng, đều tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ.
Nhóm cổ phiếu công nghệ hiện chưa hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán, ngoại trừ FPT với thanh khoản duy trì hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên, các cổ phiếu còn lại có thanh khoản ở mức thấp, chỉ vài tỷ đồng, thậm chí, giá trị giao dịch của các cổ phiếu như ICT, MFS, ABC còn chưa tới 1 tỷ đồng mỗi phiên.
Thông thường, khi lựa chọn cổ phiếu tiềm năng, nhà đầu tư thường đánh giá một số yếu tố, bao gồm thương hiệu, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, định giá cổ phiếu dựa trên chỉ số P/E, theo dõi hoạt động chia cổ tức… Trong đó, P/E vẫn được xét tới trong suy nghĩ "đắt-rẻ" khi cân nhắc cổ phiếu.
Hiện tại, P/E của nhóm cổ phiếu công nghệ Việt, mà đại diện là FPT vẫn đang ở mức thấp hơn so với tương quan các doanh nghiệp công nghệ trong khu vực, nhất là Ấn Độ và trên toàn cầu. Theo phân tích của CTCK MB, FPT đang giao dịch ở mức P/E 2021 và 2022 lần lượt là 17,44 lần và 15,07 lần so với các công ty CNTT trên thế giới là 22 lần và 19 lần.
P/E của các doanh nghiệp công nghệ Ấn Độ - "đối thủ" của doanh nghiệp công nghệ Việt như Infosys, Wipro, HCL Tech, Tech Mahindra… năm 2021 lần lượt là 29,7, 25,9, 19,5 và 18,1. P/E cao thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư về tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu trong tương lai và điều này cũng phù hợp với tiềm năng tăng trưởng của thị trường công nghệ.
Trong bối cảnh các tổ chức, doanh nghiệp có xu hướng đầu tư thêm cho chuyển đổi số để có thể kinh doanh không gián đoạn, cổ phiếu của các công ty công nghệ tại Việt Nam sẽ dần trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.