MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chọn ngành để đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2017

Trong buổi Hội thảo "Công cụ phái sinh và Bối cảnh thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2017", các chuyên gia của CTCK SSI đã đưa ra góc nhìn đối với một số ngành được đánh giá khả quan như Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và ngành tiêu dùng.

Ngành ngân hàng

Đối với ngành Ngân hàng, ngành này có nền tảng là việc tín dụng tăng trưởng cao và duy trì đà tăng trong 6 tháng cuối năm 2017. Nhìn chung, lợi nhuận ròng của các ngân hàng cải thiện trong Q1/2017 (tăng 27% so với Q4/2016 và 31% so với cùng kỳ Q1/2016) nhờ vĩ mô tích cực và cắt giảm chi phí. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra ở mức 18% và có khả năng sẽ vượt mức này.

Chi phí dự phòng giảm, đặc biệt VCB đã trích lập dự phòng đầy đủ cho VAMC. Đồng thời, việc xử lý nợ xấu đã có hướng giải quyết cụ thể hơn sau khi Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu, điều này sẽ tác động tích cực lên xu hướng nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung cũng như nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao như STB, BID. Mục tiêu nợ xấu của nhóm ngân hàng là dưới 1,5% trong năm 2017, điều này sẽ làm giảm áp lực dự phòng trong năm 2017

Tăng vốn và mở room cho nhà đầu tư nước ngoài (tiêu biểu là BID và CTG) hỗ trợ cho đà tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Ngoài ra, việc Techcombank và VPBank dự kiến niêm yết trong năm 2017 cũng có thể tạo ra câu chuyện mới cho nhóm này.

Ngành chứng khoán

Ngành Chứng khoán đã chứng kiến thanh khoản tăng mạnh và đạt mức cao kỷ lục. Tổng giá trị trên HSX và HNX trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 414.4 nghìn tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2016.

TTCK phái sinh sẽ đi vào hoạt động trong đầu tháng 08/2017 và SSI đánh giá thanh khoản của thị trường này sẽ đạt ở mức cao, điều này sẽ tạo nguồn thu tốt cho các CTCK, nhất là thời điểm thị trường bước vào giai đoạn giảm.

Đặc biệt, với thông tư 334 sửa đổi về cách hạch toán lợi nhuận của các CTCK, các khoản lợi nhuận sẽ được đánh giá lại theo giá trị thị trường. Đây được xem là khoản để dành lớn nhất. Chuyên gia cũng cho rằng mức định giá của ngành vẫn còn thấp hơn so với thị trường và các nhóm ngành Largecaps khác.

Ngành bất động sản

Đối với ngành Bất động sản, phân khúc căn hộ duy trì thanh khoản ổn định và chủ yếu tập trung ở phân khúc trung và thấp cấp chiếm 67% trong tổng số căn hộ bán ra trong 6 tháng đầu năm. Dự báo nhu cầu nhà ở tại phân khúc trung và thấp cấp sẽ duy trì xu hướng tăng trong giai đoạn 2017 – 2020 do thu nhập tăng trung bình từ 6 – 10% qua các năm.

Các thương vụ chuyển nhượng dự án được lên kế hoạch và đàm phán từ đầu năm có thể sẽ được hoàn thành thủ tục và ghi nhận lợi nhuận trong các quý cuối năm.

Quý 4 thường là quý có điểm rơi lợi nhuận cao nhất trong năm và năm 2017 cũng là năm bàn giao nhà và ghi nhận lợi nhuận. Do đó, lợi nhuận hai quý cuối năm 2017 của nhóm ngành BĐS dự báo sẽ tăng mạnh.

Rủi ro pha loãng giảm đáng kể (chủ yếu còn lại NVL và KDH) khi mức lãi suất vẫn còn thấp và thanh khoản vẫn đảm bảo cho nên các doanh nghiệp BĐS chưa đẩy mạnh việc phát hành.

Ngành hàng tiêu dùng

Ngành Tiêu dùng được đánh giá là nhóm ngành không ảnh hưởng theo chu kỳ ngành. Ngành hàng tiêu dùng nhanh ghi nhận LN Q1/2017 tăng trưởng cao nhất qua các năm và tăng trưởng trên diện rộng. Đà tăng mạnh mẽ đều ghi nhận ở hầu hết các phân khúc và mức tiêu dùng tại khu vực nông thôn tăng lên đáng kể.

Nhóm ngành thực phẩm dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong mùa hè cho các sản phẩm nước giải khát và sữa.

Niềm tin người tiêu dùng tăng là tiền đề duy trì đà tăng trưởng của nhóm ngành hàng tiêu dùng. Chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam của Nielsen đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm và xếp thứ 5 trên toàn thế giới

Một câu chuyện khác là tài chính tiêu dùng góp phần thúc đẩy doanh số các mặt hàng tiêu dùng và giá trị tiêu dùng có xu hướng gia tăng.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên