Chọn nhà đầu tư chiến lược, cứ nhiều tiền là được?
Trong bối cảnh các doanh nghiệp nhà nước đồng loạt thực hiện cổ phần hóa, câu chuyện chọn nhà đầu tư chiến lược đã trở thành vấn đề “nóng” khi hầu hết đơn vị có diện tích đất lớn ở Hà Nội và TP.HCM đều chọn "nhà đầu tư chiến lược" là các tập đoàn có lượng vốn lớn, kinh doanh bất động sản hoặc tài chính chứ không mấy liên quan đến lĩnh vực kinh doanh chính của mình.
Cổ phần hóa, cơ hội để đại gia thâu tóm đất "vàng"...
Gần đây nhất, việc Hãng phim truyện Việt Nam trở thành sở hữu của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy tiếp tục hâm nóng lại việc các doanh nghiệp nhà nước bị "thâu tóm" bởi các doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn xa lạ và câu hỏi cũ lại được nhắc lại là chủ mới quan tâm đến ngành nghề của doanh nghiệp được cổ phần hóa hay quan tâm đến diện tích đất mà các doanh nghiệp này đang quản lý, sử dụng?
Câu hỏi không khó trả lời vì giá trị doanh nghiệp được định giá để bán không bao gồm diện tích đất thuê trả tiền hàng năm. Nhưng nếu đem so sánh giá trị cổ phần được bán với diện tích đất thuê mà doanh nghiệp cổ phần hóa đang sử dụng thì chủ mới đã mua được món hàng với giá hời.
Có lẽ đây là lý do cho hầu hết các thương vụ cổ phần hóa mà các tập đoàn bất động sản, tài chính đều quan tâm đến các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đang sử dụng nhiều đất ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Cuối năm 2015, Tổng công ty Rau quả, nông sản hoàn thành việc cổ phần hóa và người ta đã thấy cái tên cổ đông chiến lược của đơn vị này là các công ty "con" của ông chủ Đỗ Quang Hiển (“bầu” Hiển). Danh sách 3 cổ đông chiến lược mua 60% cổ phần của Tổng công ty Rau quả, nông sản đều là các doanh nghiệp thuộc sở hữu của “bầu” Hiển, hoặc ít nhất cũng là các công ty mà ông Hiển có thể chi phối.
Cũng trong thời gian này, giới đầu tư còn chứng kiến thương vụ mua 97% cổ phần của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam. Doanh nghiệp thâu tóm gần như toàn bộ Vinamotor cũng là "đại gia" về tài chính và bất động sản, không liên quan gì đến ngành công nghiệp ô tô.
Những thương vụ mua cổ phần với tư cách "cổ đông chiến lược" như nêu trên đơn giản là cuộc thâu tóm doanh nghiệp của các đại gia và mục tiêu mà họ hướng đến có lẽ chính là diện tích đất "vàng" mà các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa đang sử dụng. Những vụ mua bán này sẽ tạo ra cơ hội lớn cho việc phát triển các dự án bất động sản trong tương lai.
Tiêu chí cơ bản của cổ đông chiến lược bị "bỏ xó"
Nhìn lại cách chọn cổ đông chiến lược cho các tổng công ty nhà nước, giới đầu tư chợt giật mình khi thấy nhưng tiêu chí quan trọng nhất để được làm cổ đông chiến lược đã bị xếp xó, thay vào đó thì vấn đề "tiền" lại được xếp lên hàng đầu.
Nhìn lại thương vụ mua bán cổ phần của Vinamotor và cách lựa chọn cổ đông chiến lược để chào bán 97% cổ phần còn lại của Vinamotor là rõ nhất.
Sau lần IPO đầu tiên vào tháng 4/2014, cổ phần của Vinamotor là một món hàng "ế", chỉ bán được 3% cho cán bộ, nhân viên và công đoàn của công ty. Cuối năm 2014, Công ty cổ phần Ô tô TMT, một doanh nghiệp chuyên sản xuất ô tô đã đề nghị mua hết số cổ phần còn lại và phương án bán toàn bộ cổ phần của Vinamotor đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xây dựng, trình Chính phủ. Đến khi được phê duyệt phương án bán hết cổ phần theo hình thức bán trọn gói thì một loạt "đại gia" trong lĩnh vực tài chính, bất động sản đã nhảy vào cạnh tranh với Công ty TMT.
Điều bất ngờ là sau đó, Công ty TMT đã bị loại từ "vòng hồ sơ", khi Bộ GTVT đưa ra tiêu chí, nhà đầu tư phải có vốn điều lệ đăng ký tối thiểu bằng giá trị cổ phần được chào bán (khoảng 1.000 tỷ). Với điều kiện này, chủ sở hữu Vinamotor gần như đã loại hầu hết các ứng cứ viên có “năng lực chuyên môn” nhưng vốn điều lệ không đủ "nghìn tỷ", chỉ còn lại 2 ứng cử viên. Cuối cùng, Vinamotor đã thuộc về doanh nghiệp... ngoài ngành.
Cùng với Vinamotor, Tổng công ty Rau quả, nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) hay Hãng phim truyện Việt Nam cũng thực hiện lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo đúng cách thức cứ có tiền nhiều là được.
Theo quy định của Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần thì "Nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính và có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền trong việc gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về: chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm". So với tiêu chí này, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu đang có dấu hiệu lệch hướng.
Ngày 28/4/ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 723/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ Tổng công ty Vật tư nông nghiệp, trong đó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT cần báo cáo cụ thể hơn về tiêu chí lựa chọn, quá trình tổ chức lựa chọn, đề xuất cổ đông chiến lược và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Quy định này hết sức cần thiết khi bức tranh cổ phần hóa và cơ hội thâu tóm "đất vàng" của các đại gia cứ được vẽ đi, vẽ lại.
Điều đáng nói, danh sách nhà đầu tư chiến lược rò rỉ trước đó cũng cho thấy hai ứng viên làm nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Vật tư nông nghiệp chính là Tổng công ty Rau quả, nông sản và Công ty Bảo hiểm hàng không, vốn là các công ty mà “bầu” Hiển chi phối, còn đơn vị tư vấn cổ phần hóa lại chính là Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, một doanh nghiệp cũng của ông Hiển.
Việc chuyển đổi chủ sở hữu của doanh nghiệp là tiền đề để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển chứ không phải là cơ hội để thay đổi ngành nghề của các doanh nghiệp cổ phần hóa. Nhưng, với những gì đã diễn ra, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành phải trơ mắt đứng nhìn các doanh nghiệp ngoài ngành thâu tóm các đơn vị đầu đàn chỉ vì “đất vàng” cho thấy những điều không bình thường đang xảy ra trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Điều lạ kỳ là những chuyện không bình thường, trái pháp luật này vẫn chưa bị ngăn chặn.
Luật sư Nguyễn Minh Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội:
Nhà đầu tư chiến lược phải là các doanh nghiệp có thể hỗ trợ được doanh nghiệp cổ phần hóa về công nghệ, thị trường chứ không chỉ thuần túy là hỗ trợ tài chính. Hiện nay, khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thì tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược mà chủ sở hữu đặt ra lại chủ yếu lấy tiêu chí vốn sở hữu của nhà đầu tư, dẫn đến hầu hết nhà đầu tư chiến lược đều là doanh nghiệp ngoài ngành. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược như trên sẽ không đúng tinh thần và quy định của Nghị định 59/2011/NĐ-CP.
BizLIVE